Hà Nội đề xuất hạn chế phương tiện giao thông cá nhân

15:22' - 28/12/2015
BNEWS Với tốc độ như hiện nay, đến năm 2020 Hà Nội sẽ có khoảng 1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy. Đấy là chưa kể tới xe ô tô của các lực lượng vũ trang và từ các tỉnh, thành khác vào Hà Nội.
Đến năm 2020 Hà Nội sẽ có khoảng 1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy. Ảnh:TTXVN

Trong phiên họp trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương tổ chức ngày 28/12, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương phối hợp với thành phố Hà Nội xây dựng phương án, lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, với bình quân số lượng đăng ký từ 18.000 – 22.000 xe máy/tháng; 6.000 – 8.000 ô tô/tháng như hiện nay là rất lớn. Với tốc độ này, chưa tính đến năm 2018 các dòng thuế liên quan đến ô tô được miễn giảm sẽ tăng lên, thì đến năm 2020 Hà Nội sẽ có khoảng 1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy. Đấy là chưa kể tới xe ô tô của các lực lượng vũ trang và từ các tỉnh, thành khác vào Hà Nội.

“Nếu không có ngay giải pháp phù hợp từ bây giờ thì với tốc độ như hiện nay chỉ 4 – 5 năm nữa vấn đề ùn tắc giao thông sẽ ngày càng phức tạp”, ông Chung nhấn mạnh.

Cùng với vấn đề giao thông, ông Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị Chính phủ rà soát, phê duyệt quy hoạch thoát lũ; quy hoạch hệ thống đê điều sông Hồng và sông Thái Bình để các địa phương căn cứ quản lý theo quy hoạch và khai thác các vùng đất ngoài đê.

“Theo thống kê số dân ở ngoài đê thuộc quận Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên có khoảng 35 vạn người.

Do vướng Luật Đê điều nên toàn bộ các công trình hạ tầng ở ngoài đê không thể xây dựng được. Đề nghị Chính phủ sớm có quy định để giúp các vùng này của Hà Nội và các tỉnh ven sông Hồng xây dựng công trình an sinh xã hội cho người dân”, ông Chung nói.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng đã tiếp thu ý kiến từ thành phố Hà Nội và hứa sẽ sớm hoàn thành quy hoạch vùng lũ trên sông Hồng, Thái Bình để trình Chính phủ xem xét trong thời gian sớm nhất.

*Tập trung các mặt hàng xuất khẩu tốt

Cũng tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, vòng xoáy giảm giá các mặt hàng nông lâm thủy sản trên toàn cầu vẫn tiếp diễn trong năm 2016. Giá lúa, tôm có thể tăng lại nhưng vẫn ở mức thấp.

Trong điều kiện khó khăn về xuất khẩu, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các địa phương, doanh nghiệp tập trung vào những mặt hàng xuất khẩu tốt, có thị trường.

“Vụ Đông Xuân tận dụng mở rộng sản xuất lúa gạo, nhất là chuyển mạnh sang lúa gạo chất lượng cao vì có thị trường do nhu cầu từ một số nước châu Á tăng cao. Mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu các loại hoa quả. Phát triển tôm sú theo kiểu thâm canh cải tiến để tăng năng suất, tôm thẻ đi vào quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn; chăn nuôi nâng cao khả năng cạnh tranh, trồng rừng gỗ lớn”, Bộ trưởng nói.

Vòng xoáy giảm giá các mặt hàng nông lâm thủy sản trên toàn cầu vẫn tiếp diễn trong năm 2016. Ảnh:TTXVN

Về nông thôn, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng cần chú trọng hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình hiệu quả. Đề nghị quan tâm bố trí tăng nguồn lực phát triển nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục được coi trọng, tiếp tục là vấn đề trọng tâm số 1 của ngành trong năm 2016.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các địa phương tổng rà soát tình hình nguồn nước, nắm sát các hướng dẫn từ cơ quan chuyên môn để điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp, như ở tỉnh Ninh Thuận có thể chuyển mạnh, chuyển hẳn sang cây trồng cạn, sử dụng tưới tiết kiệm để cân đối nguồn nước cho cả chăn nuôi, sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Theo Bộ trưởng, năm 2015 nông nghiệp có nhiều khác biệt, có El Nino với cường độ mạnh như năm 1997, nắng nóng bất thường, hạn hán nghiêm trọng ở miền Trung, hơn chục nghìn ha lúa Đông Xuân không thể thu hoạch và gieo cấy, sản lượng cà phê cũng sụt giảm 20%. Nhiều ngành hàng sụt giảm giá nghiêm trọng, nhiều nơi không thể gia tăng sản xuất.

“Tuy có khó khăn về giá nhưng các mặt hàng thế mạnh tiếp tục tăng về lượng xuất khẩu, giữ được các thị trường nên tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2015 ước đạt 30,14 tỷ USD, giảm 2% so với năm 2014 - là năm rất thuận lợi đối với ngành nông nghiệp. Về nông thôn có sự cải thiện rõ về đời sống của người dân”, Bộ trưởng nhìn nhận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục