Hà Nội đối thoại với công nhân: Gỡ khó nhà ở, nâng lương, chăm lo an sinh

21:04' - 28/05/2025
BNEWS Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đối thoại hơn 200 công nhân, lắng nghe, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về nhà ở, lương, bảo hiểm, an sinh – hưởng ứng Tháng Công nhân 2025.

Chiều 28/5, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất), UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và hơn 200 công nhân, người lao động Thủ đô.

 
Sự kiện là hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2025, đồng thời tạo cầu nối trực tiếp để người lao động bày tỏ kiến nghị, đề xuất liên quan đến công việc và đời sống.

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện cùng đại diện công nhân, người lao động đến từ hơn 2,7 triệu đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn Hà Nội.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Huy Khánh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, hiện toàn thành phố có trên 270.000 doanh nghiệp, khoảng 2,7 triệu lao động, với hơn 9.000 công đoàn cơ sở và gần 800.000 đoàn viên công đoàn.

UBND thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động như tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, đa dạng hóa hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng cường hiệu quả của các sàn giao dịch việc làm vệ tinh.

Tại buổi đối thoại, nhiều vấn đề bức thiết được người lao động đặt ra đã được đại diện các sở, ngành giải đáp cụ thể. Các nhóm vấn đề nổi bật gồm: nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; trường học cho con công nhân; chăm sóc y tế, bảo hiểm xã hội, an toàn thực phẩm; đào tạo nâng cao tay nghề và hỗ trợ doanh nghiệp.

Về nhu cầu nhà ở xã hội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương cho biết, thành phố đã ban hành chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh chủ trương xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt tại các khu công nghiệp. Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý các khu công nghiệp và Liên đoàn Lao động thành phố nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân gắn với các thiết chế công đoàn.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thành phố đang nghiên cứu áp dụng cơ chế đặc thù về mức lương tối thiểu, hệ số điều chỉnh (hệ số K) để công nhân có khả năng tiếp cận nhà ở xã hội. Đồng thời, Hà Nội sẽ từng bước tháo gỡ các quy định cứng nhắc trong mô hình cho thuê nhà, phát triển hình thức thuê - cho thuê linh hoạt hơn, phù hợp với thực tế.

Về bảo hiểm xã hội và chăm sóc y tế, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết Bộ Y tế đang dự thảo nghị định quy định chế độ phụ cấp đặc thù cho cán bộ y tế, trong đó có đề xuất tăng mức phụ cấp lên 2,8 lần mức lương cơ sở hiện hành.

Trong khi đó, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Khu vực I Nguyễn Ngọc Huyến thông tin: theo Quyết định 896/QĐ-BHXH, hiện đã có 63 dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ giải quyết các chế độ bảo hiểm như ốm đau, thai sản… Người lao động nộp hồ sơ qua đơn vị sử dụng lao động; doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ qua giao dịch điện tử hoặc gửi giấy qua đường bưu điện.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết đã tiếp nhận 20 ý kiến trực tiếp và 16 câu hỏi gửi trước, hầu hết mang tính xây dựng, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của công nhân. Thành phố cam kết sẽ chỉ đạo cụ thể đến từng sở, ngành, phối hợp cùng tổ chức công đoàn để giải quyết kịp thời, hiệu quả.

Chủ tịch thành phố cũng yêu cầu các đơn vị hành chính cần củng cố bộ máy, tăng cường cải cách thể chế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khẳng định vai trò của doanh nghiệp – đặc biệt là khối tư nhân – trong phát triển kinh tế và chăm lo đời sống người lao động.

Những vấn đề thuộc thẩm quyền thành phố sẽ được xử lý ngay; các kiến nghị vượt thẩm quyền sẽ được tổng hợp và báo cáo lên cấp trên. Với từng nhóm vấn đề cụ thể, thành phố sẽ có phản hồi trực tiếp đến người lao động thông qua tổ chức công đoàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục