Hà Nội mở rộng hợp tác quốc tế - Bài 1: Từ những tấm lòng

12:51' - 18/12/2017
BNEWS Vẫn tinh thần, cốt cách của người Hà Nội xưa luôn rộng lòng đón khách muôn phương, Thủ đô tiếp tục là điểm hẹn của bạn bè quốc tế đến sinh sống, làm việc, đóng góp tâm huyết xây dựng thành phố.
Du khách quốc tế tham gia các hoạt động trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN

Hà Nội được biết đến là Thành phố vì hòa bình, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và du khách bốn phương. Trong những nỗ lực vươn tầm thế giới, Hà Nội có quan hệ hữu nghị và hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn; ký thỏa thuận với nhiều thủ đô, thành phố các nước; đồng thời có quan hệ kinh tế thương mại với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Có thể khẳng định, công tác đối ngoại và thúc đẩy hội nhập quốc tế của Hà Nội đã góp phần củng cố, tạo môi trường hòa bình, nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô đối với bạn bè quốc tế.

Bài 1: Từ những tấm lòng

Vẫn tinh thần, cốt cách của người Hà Nội xưa luôn rộng lòng đón khách muôn phương, ngày nay Thủ đô tiếp tục là điểm hẹn của nhiều bạn bè quốc tế đến sinh sống, làm việc, đóng góp tâm huyết, sức lực xây dựng thành phố.

Đó là các nhà ngoại giao, nhà khoa học, nhà văn hóa và cả rất nhiều người bình thường đã chọn Hà Nội làm nơi gắn bó cuộc đời mình trong một thời gian dài. Họ làm việc một cách nhiệt huyết bởi tất cả đều hội chung một yếu tố – tình yêu Hà Nội vô điều kiện.

*Quảng bá văn hóa

Trong cuộc trò chuyện vào buổi chiều đầu đông, Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama mang lại cảm giác vô cùng gần gũi, ấm áp bởi sự thân thiện, cởi mở và một tình yêu sâu lắng dành cho Hà Nội.

Đại sứ Palestine tại Hà Nội, người tích cực quảng bá văn hóa Hà Nội ra nước ngoài. Ảnh: Đinh Thị Thuận/TTXVN

Từ khi là sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội đầu những năm 80 đến vai trò Đại sứ Palestine tại Việt Nam hiện nay, ông Saadi Salama có nhiều cơ hội gắn bó, tìm hiểu Hà Nội. Từng con phố, lối sống người dân, phong tục văn hóa ông đều am tường, thậm chí còn hiểu sâu hơn rất nhiều người dân ở đây.

Vừa giữ vai trò đại sứ, đồng thời tự hào khẳng định mình cũng như một công dân Hà Nội, ông Saadi Salama cho rằng bản thân phải có trách nhiệm đóng góp cho Thủ đô. Thời gian qua, ông tích cực quảng bá văn hóa Hà Nội đến với bạn bè quốc tế nói chung và nhân dân Palestine nói riêng.

Trong các hoạt động ngoại giao, các buổi gặp gỡ, hội họp, đại sứ Saadi Salama luôn giới thiệu về các giá trị văn hóa, lịch sử và sự phát triển của Hà Nội.

“Qua những mối quan hệ của tôi với Nhà nước Palestine cũng như các bạn bè quốc tế, tôi luôn có trách nhiệm làm thế nào để mọi người hiểu về Hà Nội những năm 80, về một Hà Nội khi bắt đầu đi vào cuộc đổi mới và thành quả của Hà Nội sau đổi mới. Khi tôi nói chuyện, rất nhiều người ngưỡng mộ về thành phố này” – Đại sứ Saadi Salama chia sẻ.

Đặc biệt, những bài viết bằng tiếng Ả Rập hoặc những tác phẩm tiếng Việt được ông dịch sang tiếng Ả Rập, đại sứ luôn nêu cao tinh thần, văn hóa của người Hà Nội.

Thông qua những trang viết đó, ông muốn người dân quê hương Palestine cũng như các quốc gia khác hiểu hơn, yêu hơn Hà Nội.

Luôn sâu lắng vì tình yêu với Hà Nội, mọi hoạt động văn hóa, ngoại giao của thành phố, Đại sứ Saadi Salama đều nhiệt tình tham gia. Từ những cuộc du xuân hữu nghị dành cho các đại sứ, phu nhân đại sứ được thành phố tổ chức vào dịp đầu năm, từ giải chạy báo Hà Nội Mới, liên hoan ẩm thực quốc tế tại Hà Nội… người ta đều thấy sự xuất hiện của ông.

Ngoài ra, tại những lớp học dành cho các nhà ngoại giao đến làm việc tại Hà Nội, Đại sứ Saadi Salama tham gia với vai trò là người dạy tiếng Việt. Bởi với ông, khi dạy tiếng Việt cũng là dịp để truyền tải văn hóa Việt Nam; trong đó có cả văn hóa Hà Nội cho các nhà ngoại giao.

Đại sứ Saadi Salama cũng khẳng định rằng, tình yêu Hà Nội trong ông luôn sâu đậm, bất cứ khi nào có thể ông đều đóng góp hết mình vì Hà Nội.

*Tạo diện mạo mới

8 năm sống ở Hà Nội với vai trò chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, còn tính từ thời điểm biết đến Hà Nội tới nay là 20 năm, ông Martin Rama, quốc tịch Urugoay, hiện là chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới khu vực Nam Á cũng rất hiểu và yêu mến Hà Nội, như lời của ông là yêu Hà Nội ngay từ lần đầu gặp gỡ, đến giờ tình yêu đó vẫn chưa hề nhạt phai.

Ông Martin Rama, quốc tịch Urugoay, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới khu vực Nam Á, người đang xây dựng dự án phát triển đô thị bền vững tại Hà Nội. Ảnh: Đinh Thị Thuận/TTXVN

Trong thời gian ở Hà Nội, ông Martin Rama dạo chơi khắp các ngõ ngách của thành phố, chụp hàng nghìn bức ảnh, đọc tất cả những bài viết về thành phố và thành quả của tình yêu đó là cuốn sách “Hà Nội, một chốn rong chơi” được giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.

Lần trở lại Hà Nội này, ông Martin Rama khiến mọi người cảm phục với dự án phát triển đô thị bền vững tại Hà Nội nhằm tìm ra mô hình hài hòa giữa phát triển đô thị với bảo tồn kiến trúc đặc trưng của Hà Nội. Bởi lẽ, dù không thường xuyên làm việc tại Hà Nội nhưng ông vẫn dành nhiều tâm huyết cho thành phố đáng mến này.

Dự án của ông thí điểm mô hình mới tại một khối nhà đơn để cải tạo lại đáp ứng nhu cầu phát triển nhưng không phá vỡ kiến trúc, cảnh quan cũ, qua đó ông mong muốn có một tư duy phù hợp về cải tạo đô thị Hà Nội.

“Khi mọi người có cách nhìn đúng về khối phố trong kiến trúc thì người ta có một kiến thức tốt trong quy hoạch”, ông Martin Rama nhấn mạnh.

Tiến hành thực hiện dự án thí điểm trên một khối nhà, ông Martin Rama cho rằng cần lựa chọn khối có đặc tính thích hợp như nhiều tòa nhà có giá trị (2 hoặc 3 biệt thự kiểu Pháp) hoặc nơi có dân cư địa phương đã sinh sống từ lâu (1 hoặc 2 khu tập thể) hoặc nơi đa dạng về phong cách kiến trúc, nơi đường phố tấp nập…

Du khách quốc tế tham gia các hoạt động trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN

Trong quá trình cải tạo cần có sự kết hợp giữa việc phá dỡ các công trình không còn giá trị, trùng tu nâng cấp trên diện rộng những kiến trúc có giá trị, nâng cấp khu tập thể thành những căn hộ có kiến trúc theo kiểu Xô Viết, mở đường đi bộ xung quanh tòa nhà, tạo không gian mở nối giữa các ngõ hẻm…

Ví dụ như một khối nhà tập thể cũ cần phải cải tạo lại cho khang trang nhưng làm thế nào giữ được cái riêng của Hà Nội.

Theo ông, khi cải tạo cần xây trên các trụ cũ, nhìn bên ngoài vẫn giữ được hình dáng cũ nhưng bên trong sẽ đẹp hơn, xây dựng thang máy phía sau tòa nhà, dân cư chuyển lên sống những tầng trên, nâng cấp các tầng dưới trở thành các khu thương mại, nhà hàng, văn phòng.

Nhà đầu tư sẽ thu hồi tiền đầu tư bằng cách bán các căn hộ phía dưới.

Hiện dự án trong giai đoạn nghiên cứu, tìm hiểu để hoàn thiện nhằm mang lại tính ứng dụng cao. Nhưng điều đáng ghi nhận nhất là những nỗ lực không mệt mỏi của ông Martin Rama vì một Hà Nội mà ông đã nặng lòng yêu quý.

*Lớp học miễn phí

Từng là lính dù thuộc Lữ đoàn không quân 173 quân đội Mỹ tham chiến tại các chiến trường Bình Định, Lâm Đồng, Bình Thuận năm 1969, cựu binh Mỹ Paul George Harding trở lại Việt Nam cuối năm 2014 với niềm ân hận, muốn bù đắp lại những lỗi lầm ông gây ra. Cũng từ thời gian đó, cựu binh Mỹ đã mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho người dân Việt Nam khi nhận thấy nhu cầu học tiếng Anh của người Việt rất lớn nhưng chi phí lại cao. Nơi ông thực hiện tâm nguyện đầu tiên của mình là Hà Nội.

Cựu binh Mỹ Paul George Harding với lớp dạy tiếng Anh miễn phí tại Hà Nội. Ảnh: Đinh Thị Thuận/TTXVN

Bắt đầu từ một lớp học với số lượng 6 người, đến nay học viên của ông Paul George Harding lên tới hơn 600 người. Học viên đủ mọi lứa tuổi, từ các cháu mẫu giáo đến học sinh, sinh viên, người đi làm và cả những người đã ở độ tuổi 60 – 70. Không chỉ tập trung ở các quận nội thành Hà Nội, nhiều người từ ngoại thành cũng tham gia lớp học tiếng Anh của thầy Paul, thậm chí có người đi xa tới 15 km để đến học.

Để đáp ứng nhu cầu học của người dân Hà Nội, ông Paul George Harding còn vận động con gái mình từ Mỹ sang tham gia giảng dạy, đồng thời tuyển thêm 3 tình nguyện viên nước ngoài khác.

Các lớp học tập trung vào trình độ phát âm, giao tiếp (giao tiếp cơ bản, trung bình, nâng cao). Với sự chỉ bảo nhiệt tình, vui vẻ, ông luôn truyền cảm hứng học tập cho các học viên nhằm đạt hiệu quả học tập tốt nhất. Với những lớp trẻ nhỏ luôn tràn ngập tiếng cười, lớp người lớn luôn tràn đầy nhiệt huyết.

“Mỗi buổi lên lớp tôi thường nêu những tấm gương anh hùng liệt sĩ của Việt Nam đã hy sinh cho độc lập dân tộc, khuyến khích mọi người noi theo, động viên mọi người hy sinh đóng góp cho đất nước, thay vì chỉ nghĩ đến bản thân mình”, ông Paul George Harding nói.

Không chỉ mở các lớp dạy tiếng Anh miễn phí, từ tháng 5 năm 2017, ông Paul George Harding còn phát động các học viên ở lớp đi bóc quảng cáo rao vặt ở các con phố tại Hà Nội.

Ý tưởng của ông ngay lập tức được mọi người tham gia, vừa bóc các tờ quảng cáo rao vặt, vừa sơn lại các bức tường bẩn do dán quảng cáo. Trong lớp có hai họa sĩ lớn tuổi cùng sự giúp sức của một số học viên khác còn vẽ tranh lên các bức tường sau khi đã sơn xong.

Ba tháng hè, ông Paul George Harding cùng các học viên liên tục đi bóc dỡ quảng cáo rao vặt, những tháng tiếp theo do còn bận lên lớp nên chỉ thực hiện vào thứ 2, 3 hàng tuần. Đi đến đâu, ông cũng được người dân khu phố nhiệt tình ủng hộ, vui vẻ tham gia.

Hiện nay, trên các phố Nguyễn Ngọc Vũ, Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), Nguyễn Thị Định, Hoàng Ngân, Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) đều cơ bản hết quảng cáo rao vặt.

Không chỉ dọc các phố chính mà cả các ngõ ngách, ông Paul cùng mọi người đều bóc quảng cáo rao vặt và sơn lại tường.

Bằng hành động của mình, ông Paul George Harding muốn góp phần làm đẹp hơn cảnh quan Hà Nội, bởi ông nghĩ Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung không cần phải sao chép từ các nền văn hóa phương Tây mà chỉ cần giữ gìn bản sắc như xưa là đã rất đẹp.

Không chỉ Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama, Martin Rama chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới khu vực Nam Á và cựu binh Mỹ Paul George Harding mà rất nhiều người nước ngoài khác cũng dành nhiều tình cảm cho Hà Nội. Hà Nội luôn khẳng định là điểm đến hấp dẫn của bạn bè bốn phương./.

Bài 2: Khẳng định hình ảnh du lịch Thủ đô

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục