Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư 10 dự án sử dụng vốn đầu tư công

14:41' - 04/12/2019
BNEWS Với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt biểu quyết đồng ý, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội.
Quang cảnh phiên họp Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội khoá XV. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN

Ngày 4/12 - ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đã thông qua 6 nghị quyết quan trọng.

Đặc biệt, với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt biểu quyết đồng ý, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội.

Theo đó, chủ trương đầu tư 10 dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội được phê duyệt có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.123 tỷ đồng.

Cụ thể các dự án được sử dụng vốn đầu tư công của thành phố là: Xây dựng Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận Bắc từ Liêm; Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 32 trên địa bàn huyện Ba Vì giai đoạn 1 (qua thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì); Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 21B đoạn từ thị trấn Kim Bài tới nút giao ngã tư Vác, huyện Thanh Oai; Cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 413 đoạn từ Km0+00 đến Km5+900, thị xã Sơn Tây.

HĐND thành phố Hà Nội cũng phê duyệt chủ trương đầu tư sử dụng vốn đầu tư công của thành phố đối với các dự án như: Cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 414 (đoạn từ ngã ba Vị Thủy đi Xuân Khanh), thị xã Sơn Tây; Xây dựng, khớp nối đường giao thông khu chức năng đô thị Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm; Giải phóng mặt bằng và xây dựng hàng rào bảo vệ khu đất 3A1, 3A2 phường Mỹ Đình 1, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm để bàn giao cho bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cải tạo, nâng cấp trạm bơm tiêu Đầm Buộm, huyện Chương Mỹ; Cải tạo, nâng cấp trạm bơm tiêu Nhân Lý, huyện Chương Mỹ; Cải tạo, nâng cấp trạm bơm tưới Đức Môn, huyện Mỹ Đức.

UBND thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát, chuẩn xác quy mô, nội dung đầu tư, lựa chọn phương án, giải pháp kỹ thuật phù hợp, đảm bảo tránh trùng lặp, tiết kiệm, hiệu quả và tổ chức triển khai thực hiện; trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan. Trong công tác lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cần lưu ý thực hiện (hoặc giải trình việc không thực hiện) ý kiến của các sở, ngành đã đóng góp tại bước lập, trình, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Sáng cùng ngày, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 cấp thành phố; đưa dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vào danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương (sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài).

Theo nội dung Tờ trình của UBND thành phố Hà Nội, việc thay đổi nguồn vốn đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 của cấp thành phố Hà Nội cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công, sau khi rà soát, điều chỉnh giảm hơn 11.307 tỷ đồng (so với nguồn vốn được HĐND thành phố Hà Nội thông qua tại Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 4/12/2018).

Tại báo cáo thẩm tra, Ban Kinh tế, Ngân sách (HĐND thành phố Hà Nội) cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội báo cáo, bổ sung, làm rõ những tác động, ảnh hưởng của giảm nguồn chi cho đầu tư phát triển trong kế hoạch trung hạn đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội nhiệm kỳ 2016-2020 mà HĐND thành phố Hà Nội đã quyết nghị.

Về việc đưa dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vào danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương (sử dụng từ nguồn vay ODA) và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài), hiện dự án đang trong quá trình thực hiện các thủ tục để phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, theo đó tổng mức đầu tư của dự án dự kiến điều chỉnh là 35.679 tỷ đồng, làm tăng mức vốn mà thành phố phải vay lại của Chính phủ cũng như tăng phần vốn đối ứng mà ngân sách thành phố phải đảm bảo.

Trong điều kiện cân đối các nguồn lực của thành phố hiện nay, việc sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài cho dự án không vượt quá hạn mức vay của thành phố, khả năng cân đối ngân sách thành phố để đáp ứng nhu cầu vốn đối ứng cho dự án phù hợp với dự kiến kế hoạch tài chính trung hạn của thành phố giai đoạn 2021-2025.

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo là công trình có tính chất quan trọng trong mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch Giao thông Vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần kết nối các khu vực đô thị, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn. Dự án đã được HĐND thành phố Hà Nội đưa vào danh mục công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016 - 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục