Hà Nội sẽ có 100 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực

16:13' - 09/10/2019
BNEWS Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, dự kiến Hà Nội sẽ có 100 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Đỗ Phương Anh - TTXVN

Sáng 9/10, đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các doanh nghiệp đã tham dự hội nghị đối thoại, đồng hành cùng phát triển giữa lãnh đạo và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức. Hội nghị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực của địa phương.

Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, dự kiến Hà Nội sẽ có 100 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố. Doanh thu các sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố đạt 46.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 42,9% tổng doanh thu sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu đạt 11.610 tỷ đồng.

Năm 2018, thành phố đã công nhận 61 sản phẩm công nghiệp chủ lực và Top 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội. Tổng doanh thu của  61 sản phẩm đạt 40.000 tỷ đồng (tăng 28,4% so với năm trước); chiếm 32,5% giá trị sản xuất ngành công nghiệp thành phố; chiếm 7,7% tổng sản phẩm trên địa bàn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10.000 tỷ đồng (tăng 74% so với năm trước).

Trong đó, có 15 doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghiệp Hà Nội với doanh thu trên nghìn tỷ đồng/năm. Tiêu biểu, có doanh nghiệp đạt doanh thu trên 4.000 tỷ đồng như: Công ty cổ phần Vicostone; Công ty TNHH Panasonic Việt Nam và một số doanh nghiệp đi đầu trong hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ,…

Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 31 doanh nghiệp với 40 sản phẩm đăng ký tham gia xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội năm 2019. Dự kiến, doanh thu đạt được của 31 doanh nghiệp có sản phẩm tham gia xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2019 đạt 6.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.600 tỷ đồng.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp cho rằng, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố đang bị đánh đồng vào sản phẩm chất lượng thấp, điều này gây ra hệ lụy vô cùng phức tạp cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Bên cạnh đó, những vấn đề về thuế, đất đai, vốn, mặt bằng sản xuất, thủ tục hành chính… là những khó khăn mà doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn Thủ đô đang phải đối mặt.

Trong bối cảnh, Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện đầy đủ các cam kết trong WTO và tham gia các hiệp định thương mại tự do, các sản phẩm công nghiệp chủ lực nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu sức ép cạnh tranh lớn ngay trên “sân nhà”.

Ông Phạm Huy Vệ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần May Sơn Hà cho biết, là đơn vị chuyên sản xuất hàng may xuất khẩu đi Mỹ, EU, Nhật Bản…, đến nay, công ty vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng nhà xưởng, đáp ứng các yêu cầu về phòng chống cháy nổ - vấn đề mà các đối tác nước ngoài rất quan tâm, nếu không đáp ứng thì không đặt hàng.

Đây là một trong những vấn đề mà nhiều doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ chủ lực đều mong muốn, Nhà nước có những chính sách hỗ trợ về đất đai, nguồn vốn... để đưa sản phẩm công nghệ chủ lực của mình tiến nhanh hơn nữa.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có ý kiến về việc, dù mang danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực nhưng việc chế tạo hầu hết sản phẩm vẫn ở dạng gia công đơn giản, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Năng suất lao động thấp, trình độ nhân lực cũng như năng lực quản lý của doanh nghiệp chưa cao, dẫn tới sản phẩm nội không đủ sức cạnh tranh ở những gói thầu, dự án có yêu cầu kỹ thuật cao. Chính những điểm yếu này khiến các doanh nghiệp trong nước khó “chen chân” vào chuỗi sản xuất của những thương hiệu, tập đoàn lớn của nước ngoài.

Đồng thời, các sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội cũng chưa tận dụng tốt cơ hội trong hội nhập, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên sâu. Ngay bản thân các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực chưa liên kết được với nhau thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ để đạt hiệu quả.

Vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị, thành phố phải xác định rõ sản phẩm nào có thế mạnh nên ưu tiên tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, có như vậy mới có thể tạo đà cho sự phát triển lâu dài. Không nên lựa chọn các sản phẩm cũ, dù chiếm tỷ trọng cao nhưng không phù hợp với xu thế phát triển.

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sở sẽ tập hợp kiến nghị của các doanh nghiệp, những khó khăn vướng mắc cần giải quyết để trình lên UBND thành phố Hà Nội và Trung ương. Thời gian qua, để sản phẩm công nghệ chủ lực phát triển, Hà Nội cũng đã rà soát, ban hành, triển khai cơ chế, chính sách; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Sở tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh; tuyên truyền, tôn vinh sản phẩm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nâng cao uy tín Chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố; nâng cao năng lực cạnh tranh, sức cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục