Hà Nội siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo

09:01' - 26/03/2016
BNEWS Mới đây, thành phố Hà Nội đã ban hành quy chế với các biện pháp mạnh nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, đảm bảo mỹ quan đô thị, trật tự xã hội.
Hà Nội siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo. Ảnh minh họa: Hoàng Hải-TTXVN

Quản lý hoạt động quảng cáo là vấn đề nóng đối với Hà Nội. Khi đời sống kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu quảng cáo ngày càng tăng cao, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo càng có nhiều “chiêu trò” lách luật.

* Còn nhiều vi phạm

Tình trạng vi phạm trong hoạt động quảng cáo tại Hà Nội diễn ra ở cả bảng quảng cáo đứng độc lập (gồm quảng cáo tấm lớn và quảng có diện tích dưới 40 m2), biển hiệu, biển quảng cáo tại các công trình, nhà ở riêng lẻ, băng rôn quảng cáo.

Từ năm 2012, Hà Nội xây dựng quy hoạch quảng cáo tấm lớn với 525 vị trí, trong đó có 33 vị trí trong khu vực nội đô. Ngay trong thời điểm đó, Hà Nội cấp phép có các tổ chức, cá nhân có nhu cầu quảng cáo tại 314 vị trí và từ năm 2013, thành phố không cấp phép thêm vị trí nào.

Tuy nhiên, tại các huyện ngoại thành, địa phương sở tại vẫn cho phép các doanh nghiệp lắp dựng quảng cáo tấm lớn ngoài quy hoạch.

Một mặt, lợi dụng quy định bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích dưới 40 m2 không phải xin phép xây dựng, một số tổ chức, cá nhân đã dựng lên có hình thức tương tự như quảng cáo tấm lớn tại những vị trí khác không nằm trong quy hoạch tấm lớn.

Mặc dù Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với các ngành, các địa phương tháo dỡ nhưng vẫn còn tồn tại một số bảng quảng cáo.

Đối với biển hiệu, biển quảng cáo tại các công trình, nhà ở riêng lẻ, cũng xảy ra nhiều sai phạm. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trên địa bàn thành phố có trên 65.000 biển hiệu, trong đó khoảng 15.000 biển hiệu không đúng quy cách.

Với sự vào cuộc của chính quyền địa phương và sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong thời gian qua, các tổ chức, cá nhân đã tự điều chỉnh, xử lý được nhiều biển sai quy cách và hiện chỉ còn khoảng 6.000 biển hiệu sai quy cách.

Đối với băng rôn quảng cáo cũng trong tình trạng tương tự. Với quy định số lượng băng rôn quảng cáo cho các chương trình nghệ thuật, hội chợ, triển lãm được treo từ 20 – 50 chiếc nhưng thực tế, các doanh nghiệp cố tình treo gấp nhiều lần quy định.

Nhiều tuyến phố trung tâm nội đô được treo với số lượng dày đặc, hình ảnh quảng cáo không đẹp mắt, nhiều băng rôn hết thời hạn không dỡ xuống… làm ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị.

Hơn nữa, các doanh nghiệp này thực hiện các hình thức vi phạm một cách tinh vi như treo cao, treo vào buổi tối tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện, khi bị dỡ xuống thì hôm sau lại tiếp tục treo lên.

Chính bởi vậy, thời gian qua, ngành văn hóa Hà Nội quyết liệt dẹp bỏ tình trạng này, phun chữ “quảng cáo vi phạm” lên băng rôn nhưng tình trạng vi phạm vẫn còn nhiều.

Ông Phạm Đức Hòa, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Hà Đông cũng chia sẻ: Trên địa bàn quận, tình trạng treo băng rôn quảng cáo chương trình ca nhạc, bất động sản vi phạm quy định diễn ra nhiều.

Quận Hà Đông cũng liên tục tháo dỡ, thông báo bên ngành thông tin truyền thông cắt số điện thoại ghi trên các băng rôn. Mặc dù tình trạng vi phạm có giảm nhưng chưa triệt để.

* Siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo

Đông Anh là địa bàn nằm trên cửa ngõ dẫn vào trung tâm Hà Nội với hai trục đường chính là cao tốc Thăng Long - Nội Bài và Nhật Tân – Nội Bài.

Đối với biển hiệu, biển quảng cáo tại các công trình, nhà ở riêng lẻ, cũng xảy ra nhiều sai phạm. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Tuy vậy, các bảng quảng cáo tấm lớn chỉ tập trung ở đường Thăng Long – Nội Bài với 46 bảng, thuộc địa bàn ba xã: Kim Chung, Hải Bối, Nam Hồng.

Mặc dù số lượng bảng quảng cáo tấm lớn nhiều nhưng bà Trần Thị Hạnh, Phó phòng Văn hóa và thông tin huyện Đông Anh khẳng định, không có bảng nào vi phạm.

Vài năm trước, xảy ra một trường hợp vi phạm nhưng đã được huyện Đông Anh xử lý triệt để. Hàng tháng, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện thực hiện giao ban với các cán bộ văn hóa cơ sở để nắm bắt tình hình, sớm xử lý vi phạm trước khi các doanh nghiệp dựng bảng quảng cáo tấm lớn lên.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thực hiện quản lý hoạt động quảng cáo tốt như huyện Đông Anh.

Để quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời, đảm bảo mỹ quan đô thị, tránh tình trạng quảng cáo tràn lan như thời gian vừa qua, mới đây, thành phố Hà Nội đã ban hành quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, do Hà Nội chưa hoàn thiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời nên quy chế này hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện theo đúng Luật quảng cáo, giải quyết những gì Luật không bao trùm hết được, nhất là những khu vực đặc thù của Hà Nội.

Theo quy định mới, Hà Nội có 8 khu vực không quảng cáo như: Khu vực Quảng trường Ba Đình; hồ Hoàn Kiếm và khu vực bao quanh hồ; khu vực phố cổ; di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị… mà chỉ được trang trí, tuyên truyền.

Xung quanh khu vực cấm, thành phố Hà Nội cũng hạn chế quảng cáo. Thành phố có quy định chặt chẽ về hình thức, phương tiện quảng cáo đối với các quảng cáo ngoài trời phải thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo để hạn chế việc quảng cáo tràn lan của các tổ chức, đơn vị.

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Lợi, các bảng quảng cáo tấm lớn chỉ còn ở ngoại đô. Còn lại, tấm lớn hiện nay ở nội thành (trước có quy hoạch) sẽ rút dần đi, khi hết thời hạn sẽ không cấp lại.

Còn biển hiệu, thành phố sẽ cố gắng làm đẹp, đồng bộ; không dựng các hộp quảng cáo mà có thể dùng phương pháp hiện đại như chữ dạng led, laze.

Thành phố cũng dự kiến chọn các tuyến phố điểm về biển hiệu theo ba trục: Trục từ Nhà hát Lớn – Tràng Tiền – Tràng Thi – Điện Biên Phủ; trục từ Cửa Nam – Nguyễn Thái Học – Kim Mã – Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng – Trung tâm hội nghị Quốc gia; trục từ Quốc Tử Giám – Nguyễn Lương Bằng – Nguyễn Trãi – Hà Đông, hướng dẫn các hộ kinh doanh làm dần để tạo điểm nhấn.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục