Hà Nội tập trung xử lý vi phạm kinh doanh hàng lậu

19:51' - 08/09/2020
BNEWS Trong 8 tháng năm 2020, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã xử lý 3.645 vụ việc với tổng số tiền bị xử lý lên đến trên 98 tỷ đồng; trong đó, xử phạt hành chính trên 34 tỷ đồng.

Ngày 8/9, tại buổi họp Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Minh Hùng cho biết, tiếp tục xác định nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh chống hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thời gian qua, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường, qua đó đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời một số vụ việc vi phạm có giá trị lớn.

Cụ thể, trong 8 tháng năm 2020, qua kiểm tra 3.829 vụ việc, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã xử lý 3.645 vụ việc với tổng số tiền bị xử lý lên đến trên 98 tỷ đồng; trong đó, xử phạt hành chính trên 34 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa với giá trị gần 17 tỷ đồng và hàng tiêu hủy, tái chế có giá trị gần 47 tỷ đồng.

Đáng chú ý, từ đầu tháng 8/2020 đến nay, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 6 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm liên quan đến sản phẩm bánh trung thu, xử phạt hành chính với số tiền 58,6 triệu đồng và tạm giữ, xử lý 31.000 sản phẩm bánh trung thu các loại.

Ngoài ra, về triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19, từ ngày 1/2/2020, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, vận chuyển, buôn bán các mặt hàng khẩu trang.

Lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không niêm yết giá, bán hàng không đúng giá niêm yết.

Theo đó, tính đến ngày 31/8/2020, lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 294 vụ việc với số tiền xử lý đến đến trên 1,5 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ việc người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm sau khi mua và sử dụng sản phẩm pate Minh Chay do Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới (thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) sản xuất, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Minh Hùng cho biết thêm, Đội Quản lý thị trường số 9 đã phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh, sản xuất của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều lỗi vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp trên. Theo đó, UBND huyện Đông Anh đã ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền 17,5 triệu đồng đối với Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới do không đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm.

Làm rõ thêm về vụ việc pate Minh Chay, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học thông tin: UBND 30 quận, huyện, thị xã đã đồng loạt kiểm tra các địa điểm kinh doanh, buôn bán thực phẩm chay, siêu thị… trọng tâm chuỗi nhà hàng chay.

Theo đó, lực lượng chức năng đã kiểm tra 126 cơ sở, qua đó phát hiện xử lý 14 cơ sở vi phạm, xử phạt với số tiền 55 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu là không xuất trình được bản tự công bố, điều kiện bảo quản chưa đảm bảo...

Hiện lực lượng chức năng đã thu hồi được 141 sản phẩm từ các khách hàng chủ yếu tại Hà Nội bao gồm: 35 sản phẩm Pate Minh Chay và 106 sản phẩm khác. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng đã bàn giao 35 sản phẩm pate Minh Chay cho Phòng cảnh sát kinh tế (Công an thành phố Hà Nội) để phục vụ công tác điều tra.

Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học nhấn mạnh, ngay khi sự việc người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm sau khi mua và sử dụng sản phẩm pate Minh Chay xảy ra, lãnh đạo thành phố, cùng các ngành đã vào cuộc quyết liệt xử lý vụ việc, tuy nhiên, để kết luận vụ việc, xác định kết quả chính xác, cần có thời gian.

Đồng thời, theo Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, đây là vụ việc rất bức xúc vì liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người, đặc biệt chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề các cấp, người dân đều quan tâm.

Sau kiểm tra, đến nay trên địa bàn thành phố không có thêm bệnh nhân mới ngoài hai bệnh nhân đã nhập viện. Hiện cơ quan chức năng đã ban hành quyết định tạm dừng Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã cấp cho Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới.

Trước đó, ngày 4/9/2020, qua kiểm tra kiểm tra cơ sở kinh doanh Quỳnh Hoan có địa chỉ tại Tổ 17, phố Bắc Lãm, phường Phú Lương (Hà Đông, Hà Nội), Đội Quản lý thị trường số 1 và Đội Quản lý thị trường số 26 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với thành viên Tổ công tác 368 (Tổng cục Quản lý thị trường) phát hiện và tạm giữ hàng trăm chiếc nồi, hàng nghìn vỏ thùng bao bì in thông tin có dấu hiệu giả mạo.

Cụ thể, Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 527 chiếc nồi và 1.770 chiếc vỏ thùng bao bì có dấu hiệu in các thông tin giả mạo. Toàn bộ số hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ, không rõ chất lượng. Hiện vụ việc đang được Đội Quản lý thị trường số 1 tiếp tục phối hợp với các lực lượng liên quan để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng ngày 4/9, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với các ngành liên quan gồm: Viện Kiểm sát, Công an, Sở Tài chính... tiến hành tiêu hủy 15 tấn hàng giả. Hàng hóa bị tiêu hủy đợt này gồm: 30 kg thuốc lá, xì gà; 1.800 kg thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm; 4.800 kg khí N20 (134 bình); 2.500 kg rượu, cồn, xăng, dung dịch rửa tay sát khuẩn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng; khoảng 5.070 kg các mặt hàng quần áo phòng dịch, khẩu trang, sản phẩm khử khuẩn, bỉm trẻ em, giày dép…; 800 kg cột bơm xăng không rõ chất lượng.

Dưới sự giám sát của các đơn vị liên quan, toàn bộ số tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu đã được tiêu hủy theo đúng quy trình, quy định của pháp luật./.

>>Phát hiện kho hàng lậu lớn gần Cảng Phú Định, Tp. Hồ Chí Minh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục