Hà Nội thông qua nhiều nghị quyết quan trọng phát triển kinh tế - xã hội

15:21' - 08/12/2021
BNEWS Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố giai đoạn 2021-2025.

Ngày 8/12, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ ba, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết nghị phê duyệt chủ trương đầu tư 22 dự án sử dụng ngân sách thành phố và ngân sách cấp huyện; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 2 dự án sử dụng ngân sách.

Trong số đó, một số dự án nổi bật được phê duyệt chủ trương đầu tư gồm: Cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh tiêu Hiệp Thuận kết hợp đường giao thông trên địa bàn huyện Phúc Thọ; Xây dựng cầu vượt cho người đi bộ qua đường Lê Đức Thọ (ngõ 63) trên địa bàn quận Nam Từ Liêm;

Nâng cấp bệnh viện Ung Bướu Hà Nội - Bệnh viện mũi nhọn về chẩn đoán và điều trị ung thư; Bổ sung đèn tín hiệu giao thông và đèn cảnh báo nguy hiểm trên một số tuyến đường huyện Hoài Đức…

Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cũng giao Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư và đơn vị liên quan thực hiện rà soát, chuẩn xác quy mô, nội dung đầu tư, có giải pháp đấu nối thích hợp, khớp nối đồng bộ, lựa chọn phương án, giải pháp kỹ thuật phù hợp, đảm bảo tránh trùng lặp, tiết kiệm, hiệu quả và tổ chức triển khai thực hiện;

Xác định nguồn gốc đất đai, xây dựng phương án, kinh phí giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng chế độ, chính sách hiện hành; trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan.

Trong khâu lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cần lưu ý thực hiện (hoặc giải trình việc không thực hiện) ý kiến của các sở, ngành đã đóng góp tại bước lập, trình, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

 

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành liên quan căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư của các dự án, tăng cường kiểm tra, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách; giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi giúp chủ đầu tư hoàn thành dự án đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ, chất lượng công trình...

Cùng ngày, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; quy định định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách thành phố Hà Nội năm 2022.

Theo đó, về dự toán thu ngân sách thành phố Hà Nội năm 2022, quyết nghị tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là hơn 311.650 tỷ đồng và tổng thu ngân sách địa phương là hơn 106.477 tỷ đồng.

Về dự toán chi ngân sách địa phương năm 2022, dự kiến tổng chi hơn 126.925 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố huy động tối đa cho đầu tư phát triển năm 2022 là 4.355 tỷ đồng. Trong năm, căn cứ tiến độ thực hiện và nhu cầu vốn cho các dự án, trường hợp có nhu cầu huy động từ nguồn vay trong nước, Ủy ban Nhân dân thành phố thống nhất với thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội về phương án huy động.

Đáng chú ý, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI cũng đã thông qua Nghị quyết về tình hình thực hiện Kế hoạch nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách, phòng chống dịch COVID-19 năm 2022.

Theo đó, nghị quyết chỉ rõ mục tiêu tổng quát của thành phố trong năm 2022 là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân;

Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và an ninh và trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy.

Cùng đó, thành phố tiến hành lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổng kết, đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô Hà Nội năm 2012 và đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp;

Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 và Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11; thực hiện chủ đề năm 2022 của thành phố là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Đặc biệt, Nghị quyết cũng nêu rõ 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 của thành phố; trong đó GRDP tăng từ 7-7,5%. Thành phố cũng xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện trong năm 2022;

Trong đó, ưu tiên công sức, thời gian và nguồn lực để kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tiếp tục tiêm vaccine phòng COVID-19 để đạt miễn dịch cộng đồng; đồng thời, mở rộng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ đầu năm 2022…

Thành phố đảm bảo duy trì ổn định kinh tế, cân đối ngân sách; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm… Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tăng cường quản lý và phát triển đô thị; khai thác hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường; phát triển văn hóa, xã hội; thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; đảm bảo sức khỏe cộng đồng và an sinh, phúc lợi xã hội; giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục