Hà Nội thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng chợ còn nhiều khó khăn

21:11' - 25/06/2024
BNEWS Quản lý nhà nước về công thương cấp huyện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như đầu tư xây dựng chợ chưa thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư, quản lý, kinh doanh, khai thác.

Phát biểu tại hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước về công thương cấp huyện 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức chiều 25/6, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, quản lý nhà nước về công thương cấp huyện dù đạt được những kết quả cao nhưng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như đầu tư xây dựng chợ chưa thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư, quản lý, kinh doanh, khai thác.

Bên cạnh đó, hệ thống chợ dân sinh trên một số địa bàn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân dẫn đến phát triển các tụ điểm chợ cóc ảnh hưởng đến an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đến nay, Hà Nội đã hoàn thành đầu tư xây dựng 6 chợ được phân hạng và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng; 2 chợ đang hoàn thiện nốt hạng mục công trình dự kiến hoàn thành trong Quý II/2024; 3 chợ đang thi công xây dựng; 5 chợ đang giải phóng mặt bằng; 15 chợ đã hoàn thành thủ tục đầu tư chuẩn bị đầu tư năm 2024 hoàn thành năm 2025.

Hà Nội cũng đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp chợ 18 chợ; 6 chợ đang trong giai đoạn thi công; 6 chợ chuẩn bị khởi công, dự kiến hoàn thành năm 2024; 14 chợ chuẩn bị đầu tư dự kiến khởi công và hoàn thành năm 2025; 9 chợ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự kiến khởi công năm 2025.

 

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các địa phương trong việc thực hiện đầu tư, xây dựng, cải tạo các chợ như chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa); chợ Trát Cầu, chợ Kệ, chợ Vồi (huyện Thường Tín); khảo sát, nghiên cứu khả thi dự án xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại thành phố Hà Nội (dự kiến tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm), Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành cho ý kiến về vấn đề này.

Đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn các đơn vị hoàn thiện điều kiện và cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn cho gần 2.800 cơ sở đáp ứng yêu cầu theo quy định, xây dựng 22 trạm xét nghiệm nhanh phục vụ lấy mẫu xét nghiệm để giám sát thực phẩm tại chợ; 24/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai xây dựng và ban hành quy chế về quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm đối với 303 chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Sở Công Thương Hà Nội đang phối hợp với các quận, huyện, thị xã tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở hoàn thiện các điều kiện theo quy định để được cấp biển nhận diện và triển khai các nhiệm vụ tại đề án.

Ngoài ra, Sở đã phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh quản lý các loại hình kinh doanh có điều kiện (xăng dầu, LPG, rượu, thuốc lá…), phối hợp thực hiện quản lý bán hàng đa cấp trên địa bàn, chú trọng kiểm tra, kiểm soát thị trưởng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đại diện quận Đống Đa (Hà Nội) việc xây dựng lại chợ mới trên nền của chợ cũ cũng gặp nhiều khó khăn do còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận của các tiểu thương. Vì sau khi xây dựng lại chợ mới các tiểu thương đều muốn được sắp xếp ở tầng 1 cho thuận lợi kinh doanh. Trong khi đó, Ban quản lý chợ chỉ có thể đáp ứng được một phần, còn lại vẫn phải lên tầng 2 và 3. Ngoài ra, nhà nước cũng cần phải nghiên cứu để giải quyết những trường hợp các hộ dân chưa được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng còn nợ thuế, hay thực hiện đề án trạm xét nghiệm thì nguồn nhân lực, kinh phí duy trì cần phải rõ ràng.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để tiếp tục thực hiện kế hoạch của UBND thành phố về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, Sở đã phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan hoàn thiện phương án tính giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ đảm bảo đánh giá đầy đủ căn cứ pháp lý và thực tiễn để phê duyệt, sửa đổi Quyết định số 56/2016/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của UBND thành phố về việc ban hành giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng phối hợp các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn như chuyển đổi mô hình quản lý chợ; phân hạng chợ; phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng tại chợ… Đồng thời, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt giải tỏa, chống tái chiếm các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm, các tụ kiểm kinh doanh tự phát trên địa bàn; giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc về khiếu nại, tố cáo liên quan đến các chợ.

Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã phát huy kết quả đạt được, đồng thời cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn qua hệ thống phát thanh truyền hình tại địa phương; thường xuyên rà soát, nắm bắt số lượng cơ sở, thực trạng, tình hình hoạt động việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực công thương thuộc phạm vi quản lý.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục