Hà Nội: Từ 4/5, cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu mở cửa sau 9h

19:42' - 29/04/2020
BNEWS Từ 4/5 - 31/12/2020, tất cả các cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu tại Hà Nội chỉ được phép mở cửa từ 9 giờ sáng, nhằm giảm ùn tắc giao thông, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19.

Chiều 29/4, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, trên cơ sở xin ý kiến của Thường trực Thành ủy Hà Nội, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội quyết định, từ 4/5 - 31/12/2020, tất cả các cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu trên địa bàn chỉ được phép mở cửa từ 9 giờ sáng, nhằm giảm ùn tắc giao thông, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19.

Theo đó, các cửa hàng có trách nhiệm treo biển thông báo giờ mở cửa và chủ động giờ đóng cửa hàng.

Thành phố cũng quyết định, từ ngày 4/5, học sinh từ cấp Trung học cơ sở trở lên bắt đầu đi học trở lại. Còn cấp Tiểu học và Mầm non thì đi học trở lại từ ngày 11/5.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 khi học sinh đi học trở lại, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các quận, huyện, nhà trường chuẩn bị tốt các điều kiện phòng chống dịch bệnh, đặc biệt bố trí đo thân nhiệt, nước khử khuẩn... tuyên truyền để học sinh đi đến nơi về đến chốn, không tụ tập, la cà.

Tất cả các quận, huyện và các đơn vị, người dân tiếp tục chấp hành nghiêm túc Chỉ thị 19/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chị thị 07 của Chủ tịch UBND thành phố, tiếp tục quyết liệt triển khai công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, theo phương châm "kiên trì, kiên định và lâu dài". Đặc biệt mọi người dân đều phải thực hiện yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc nước khử khuẩn và giữ khoảng cách.

"Sự tự giác phòng chống dịch COVID-19 của người dân là yếu tố quyết định đến thành công của công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn trong thời gian tới", Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Chính vì vậy, thời gian tới cùng với việc người dân chủ động thông báo với cơ sở y tế khi có dấu hiệu bệnh, cần có sự tham gia tích cực của các cơ sở y tế, nhà thuốc... trong việc phát hiện người nghi nhiễm để thông báo cơ quan y tế có biện pháp xử lý kịp thời.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, trên thế giới, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo các nước có thể đối mặt với làn sóng dịch thứ 2 xâm nhập từ bên ngoài.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh, trong đó Hà Nội đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới. Tuy nhiên, Hà Nội là địa phương có nguy cơ vì còn ổ dịch chưa qua 28 ngày.

Mặt khác, hiện nay đã nới lỏng giãn cách xã hội nên người dân ra đường đông hơn, nhiều người đến vui chơi, tập thể dục trong vườn hoa, công viên không đảm bảo giữ khoảng cách tiếp xúc (2 mét)  và vẫn còn những trường hợp không đeo khẩu trang.

Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Chính vì vậy, thành phố cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, dập dịch, điều trị hiệu quả cho bệnh nhân, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân tuyệt đối không được chủ quan với dịch bệnh

Từ ngày 30/3, các quận, huyện tổ chức chi trả tiền hỗ trợ cho đối tượng là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo các quy định hiện hành, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 500 tỉ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục