Hà Nội vẫn còn doanh nghiệp chưa chủ động phòng dịch COVID-19

18:12' - 30/06/2021
BNEWS Hà Nội vẫn còn số ít doanh nghiệp chưa chủ động, không triển khai đầy đủ nội dung hướng dẫn, chỉ đạo về công tác phòng dịch.

Hiện nay, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tại các khu công nghiệp chế xuất Hà Nội cũng đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, vẫn còn số ít doanh nghiệp chưa chủ động, không triển khai đầy đủ nội dung hướng dẫn, chỉ đạo về công tác phòng dịch.

Tại Công ty TNHH GSK nằm trong khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), việc cho xe chở hàng đi quá sâu vào xưởng sản xuất để trả hàng, lấy hàng sẽ không đảm bảo được việc phòng, chống dịch bệnh. Bởi các xe chở hàng thường di chuyển rất rộng, qua nhiều địa bàn.

Tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống COVID-19 ở Khu Công nghiệp Phú Nghĩa vào cuối tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Quyền- Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Công ty TNHH GSK sắp xếp một khu riêng để trả hàng, cấp hàng, hạn chế cho các xe, lái xe tiếp xúc với người lao động của công ty khi không cần thiết.

Đối với việc sắp xếp cho người lao động ăn trưa, nghỉ giải lao, các doanh nghiệp cung cấp suất ăn cá nhân, đánh số vị trí ngồi của từng người để tiện cho việc truy vết, khoanh vùng; không tập trung đông người ở căng tin trong một khung giờ, tránh ngồi đối diện, ăn xong rời khỏi căng tin ngay, tránh tiếp xúc không cần thiết.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội xây dựng bản hướng dẫn phòng, chống dịch, trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, thành phố Hà Nội thành quy trình ngắn gọn, phát cho tất cả các doanh nghiệp để các doanh nghiệp có thể dễ dàng thực hiện.

Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, hiện, trên địa bàn có 9 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích 1.264 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 95%; thu hút được 661 dự án đầu tư thứ phát; trong đó, có 341 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 6,3 tỷ USD và 320 dự án đầu tư trong nước, với số vốn đăng ký trên 17.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 157.700 lao động.

Ông Trần Anh Tuấn- Phó trưởng ban Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, từ ngày 6/5 đến nay, không có ca nhiễm bệnh COVID-19 được phát hiện trong các khu công nghiệp. Các doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện các nội dung phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần  vào mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ đô.

Việc triển khai công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp khu công nghiệp được kê khai trực tuyến tại trang http://covid.hiza.hanoi.gov.vn của Ban quản lý. Các doanh nghiệp được kiểm tra đã chấp hành tốt công tác phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, vẫn còn số ít doanh nghiệp chưa chủ động, không triển khai đầy đủ nội dung hướng dẫn, chỉ đạo về công tác phòng dịch và đã được Ban Quản lý phối hợp UBND các quận, huyện nhắc nhở, thậm chí đã yêu cầu tạm dừng hoạt động của một doanh nghiệp để khắc phục.

Số doanh nghiệp thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 là 644/661 doanh nghiệp; số doanh nghiệp thành lập Tổ an toàn COVID-19 là 644/661 doanh nghiệp...

Các doanh nghiệp đã thống kê thông tin nơi ở điện thoại của công nhân, lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp đạt 93%. Số còn lại là thuộc các doanh nghiệp nhỏ và hoạt động online.

Ông Đoàn Trần Luật, Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Megapharco nằm trong khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, Công ty đã tiến hành thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc; xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19, rà soát, dự trù các trang thiết bị, vật tư, hậu cần phục vụ phòng, chống dịch như khẩu trang, xà phòng, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn tay; xây dựng phương án xử trí và bố trí phòng riêng để cách ly tạm thời đối với trường hợp người lao động có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở trong quá trình làm việc….

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay, thành phố Hà Nội đang nới lỏng việc giãn cách để nhân dân dễ dàng mua sắm hàng hóa thiết yếu, phục vụ cuộc sống. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không được lơ là, lơi lỏng trong việc phòng, chống dịch COVID-19.

Bởi khi phát sinh một ca bệnh sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực không chỉ với công ty mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới cả khu công nghiệp và cộng đồng.

Với chính quyền địa phương cần sâu sát hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp với phương châm "4 tại chỗ"...

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị cần rà soát lại hoạt động của Ban Chỉ đạo, các tổ an toàn phòng, chống COVID-19 tại các phân xưởng. Các đơn vị cần xây dựng phương án, kịch bản với 3 cấp độ; thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát dịch bệnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục