BNEWS
Hoạt động vận tải tại các bến xe diễn ra trật tự, văn minh, không có cảnh chèo kéo, chăn dắt khách. Nhưng tình trạng một số hành khách đứng ngoài đường bắt khách mà không vào trong bến vẫn tồn tại.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn Hà Nội đang trong đợt cao điểm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ và giảm giá vé.
Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực ghi nhận được tại các bến xe thì tình trạng nhà xe “bắt” khách trái phép tại các cung đường cửa ngõ vẫn nhức nhối.
Ghi nhận tại hai bến xe Mỹ Đình và Gia Lâm chiều 3/2, lượng khách tuy không đông như trước ngày ông Công, ông Táo nhưng cũng khá tấp nập.
Do chuẩn bị chu đáo từ trước đó, hoạt động vận tải tại hai bến xe diễn ra trật tự, không có cảnh chèo kéo, chăn dắt khách, hành khách không phải chờ đợi, bến xe sạch sẽ, phong quang, không có xe ôm, hàng rong hoạt động lộn xộn trong khu vực bến.
Bến Mỹ Đình là bến phục vụ nhu cầu đi lại chủ yếu cho người dân khu vực phía tây thành phố với tốc độ đô thị hóa cao, dân cư đông đúc, tập trung nhiều trường đại học, khu đô thị nên lượng hành khách qua lại bến thường xuyên đông, nhất là trong dịp lễ, tết.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc xí nghiệp quản lý bến xe Mỹ Đình cho biết, từ nay đến ngày 29 Tết, lượng hành khách sẽ đi rải đều trong các ngày, đặc biệt ngày 28 Tết sẽ là ngày cao điểm, lượng hành khách sẽ tăng cao.
Để đảm bảo quyền lợi cho hành khách, bến xe Mỹ Đình huy động toàn bộ lực lượng và phương tiện hỗ trợ tối đa giải tỏa hết hành khách trong ngày. Bến yêu cầu nhà xe cam kết không chở quá số người quy định, không nhồi nhét khách, trong xe phải có chỗ thoát hiểm cho hành khách, nghiêm cấm lái xe, phụ xe dùng chất kích thích.
Bên cạnh đó, bến xe phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Cảnh sát Giao thông, Thanh tra tiến hành kiểm tra các phương tiện, trường hợp xe nào không đáp ứng yêu cầu thì không được phép hoạt động.
Bến xe cũng khuyến cáo đối với hành khách đi xe cần vào bến mua vé và lên đúng xe. Trong dịp Tết tại bến xe Mỹ Đình đã có 101 đơn vị giảm giá vé/tổng số gần 200 đơn vị hoạt động tại bến, với mức giảm từ 5 – 15% .
Tại bến xe Gia Lâm, ông Doãn Anh Pháp, Trưởng ca điều hành bến xe Gia Lâm cho biết, ngày cao điểm 21 và 22 trước Tết ông Công, ông Táo, bến Gia Lâm đã phục vụ trên 10.000 lượt khách qua bến, các ngày sau đó lượng khách rải rác khoảng 4000 lượt khách/ngày.
Bến xe Gia Lâm đã phối hợp với các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự cho các bến xe trong dịp trước, trong và sau Tết. Công tác soát vé được tăng cường, đảm bảo đạt 90% lượng khách qua bến có vé đi xe.
Tình trạng một số hành khách đứng ngoài đường bắt khách mà không vào trong bến vẫn còn tồn tại. Để khắc phục điều này, thời gian qua, bến Gia Lâm đã tuyền truyền cho hành khách vào bến mua vé để đảm bảo quyền lợi.
Trong dịp Tết, tại bến Gia Lâm có 10 trên tổng số 100 doanh nghiệp vận tải hoạt động tại bến giảm giá vé, với mức giảm 10 – 20%. Công tác soát vé được tăng cường tại bến xe Gia Lâm, 90% lượng khách qua bến có vé lên xe.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân đồng thời để cạnh tranh, nhiều nhà xe đã quan tâm đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ và giảm giá vé.
Theo ông Nguyễn Mạnh Chiến, Trưởng điều hành công ty TNHH Vận tải buýt Hải Phòng, chạy tuyến bến xe Gia Lâm – Hải Phòng, trong năm qua, công ty đã thực hiện giảm giá vé và 100% hành khách lên xe có vé.
Trong dịp Tết này, công ty quán triệt anh em cán bộ điều hành làm việc đến ngày 30 Tết. Ngoài ra ngày mùng 1 Tết công ty cũng bố trí 10 chuyến xe phục vụ nhân dân đi chơi Tết.
Nhờ tăng cường công tác quản lý, dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh tại bến xe Mỹ Đình đã chuyển biến đáng kể, khắc phục được tình trạng lộn xộn trước đó. Tuy nhiên tình trạng lên xe không mua vé tại khu vực bến và nhà xe bắt khách dọc đường vẫn xảy ra.
Chị Nguyễn Thị Tuyết đi xe từ Lạng Sơn- Mỹ Đình phản ánh, “tôi đi xe của nhà xe Tuấn Anh từ Lạng Sơn về Mỹ Đình. Trước khi lên xe nhà xe đã khẳng định sẽ về bến Mỹ Đình nhưng về đến Hà Nội thì lái xe tỏ thái độ với hành khách, không đưa khách vào đúng bến xe Mỹ Đình mà thả khách cách bến khoảng 3 km. Tôi đi xe thì cũng gần như chưa bao giờ mua vé mà thường vào thẳng trong bến lên xe hoặc bắt xe dọc đường”.
Trong khi các bến xe đang ra sức cải thiện hình ảnh phục vụ hành khách ngày càng văn minh, lịch sự thì những điều ghi nhận được trước Tết Nguyên đán Bính Thân cho thấy vẫn còn sự thiếu sự hợp tác của một số nhà xe và hành khách đi xe.
Trên phố Phạm Văn Đồng chiều 3/2 vẫn còn rất nhiều hành khách không vào bến mà đứng ở đây để bắt xe còn nhà xe thì đi với tốc độ rùa bò để bắt khách./.