Hạ tầng giao thông đồng bộ – chìa khóa phát triển của mọi nền kinh tế

14:41' - 15/08/2017
BNEWS Cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ và hiệu quả là tiền đề quan trọng đối với bất kỳ nền kinh tế nào để có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Hạ tầng giao thông đồng bộ – chìa khóa phát triển của mọi nền kinh tế. Ảnh: DirectAsia Insurance

Phát triển và kết nối hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tốt đã tạo điều kiện cho Singapore có thể phát triển kinh tế-xã hội, tạo ra bước phát triển đột phá, trở thành một đất nước có Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người ở mức cao, với môi trường sinh sống xanh và sạch.
Vai trò then chốt

Singapore là một quốc đảo nhỏ tách ra từ Malaysia từ năm 1963, gần như không sở hữu tài nguyên, mọi nguyên liệu hầu hết đều phải nhập từ nước ngoài nhưng “đảo quốc Sư tử” này có một vị trí địa lý thuận lợi, ở trong eo biển Malaca, trên tuyến đường hàng hải huyết mạch từ Đông sang Tây, nối liền Thái Bình Dương.
Việc xây dựng và kết nối cơ sở hạ tầng hiện đại và hiệu quả được coi là một nền tảng quan trọng cho sự thành công của nền kinh tế Singapore. Hệ thống cơ sở hạ tầng gồm có cảng biển, sân bay, bưu chính viễn thông, đường sá và các tiện ích khác.

Một ví dụ điển hình về thành quả của chính sách này là sân bay Changi của Singapore trở thành trạm trung chuyển quan trọng và hiện đại bậc nhất ở châu Á - Thái Bình Dương.
Bộ Giao thông vận tải Singapore đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống giao thông tích hợp nhằm tạo ra mạng lưới vận tải liền mạch đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, du khách cũng như hoạt động vận chuyển hàng hóa, dịch vụ...
Với chủ trương kết nối hạ tầng giao thông hiện đại, Singapore đã trở thành một trong số quốc gia phát triển nhất ở châu Á với mức thu nhập bình quân đầu người cao, phúc lợi từ các tiện ích, dịch vụ cuộc sống, và an sinh xã hội được xếp loại cao trên thế giới.

Với những cải thiện về nền kinh tế kể từ giai đoạn đầu thành lập đất nước đến nay, mô hình phát triển nền kinh tế Singapore xứng đáng trở thành mô hình cho không ít quốc gia khác học tập.
Singapore sử dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và khai thác hệ thống hạ tầng giao thông. Trong quá trình vận hành khai thác cảng biển, Singapore đã chủ động ứng dụng triệt để thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại. Do đó chất lượng và thời gian thực hiện các dịch vụ của Singapore khó có đối tác sánh kịp.
Bên cạnh đó, Chính phủ Singapore luôn chú trọng xây dựng một hệ thống giao thông tích hợp xe buýt - tàu điện ngầm MRT - taxi, như một trong những bước căn bản góp phần tạo ra môi trường thân thiện, thoải mái. Đó cũng là một trong những lý do khiến quốc đảo này trở thành điểm đến lý tưởng và dễ dàng nhất để kinh doanh.
Để tìm kiếm nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, Chính phủ Singapore đã phát hành trái phiếu chính phủ để huy động nguồn vốn. Ngoài ra, Singapore còn thực hiện chiến lược cắt giảm thuế vừa nhằm thúc đẩy kinh tế vĩ mô vừa thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Mới đây, theo dự báo của Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), kinh tế nước này có thể tăng trưởng 3% trong năm 2017, với động lực chủ chốt là các lĩnh vực liên quan tới thương mại như sản xuất, vận tải...
Còn tại châu Âu, với sự nối kết hiệu quả với hệ thống giao thông quốc gia và hệ thống đường sắt, đường bộ các nước lân cận, Hà Lan cũng là nền kinh tế phát triển thịnh vượng, phụ thuộc nhiều vào hoạt động ngoại thương. Theo đánh giá của giới chuyên gia, Hà Lan có nền vận tải đường bộ hàng đầu châu Âu.
Bên cạnh đó, cùng với mạng lưới vận tải đa phương thức hoàn chỉnh của châu Âu, hàng hóa từ cảng Rotterdam của Hà Lan có thể đến các điểm đến một cách nhanh chóng và dễ dàng. Hàng hóa có thể được vận chuyển bằng đường sắt, đường thủy nội địa, tàu biển tuyến ngắn hoặc đường không.
Điểm đáng chú ý trong phát triển và kết nối hạ tầng giao thông của Hà Lan là cơ chế hoạt động linh hoạt. Cụ thể, Chính phủ Hà Lan cung cấp toàn bộ nhu cầu về kết cấu hạ tầng cho tư nhân khai thác theo nguyên tắc mang lại hiệu quả cao nhất cho quốc gia.

Tư nhân đảm nhận việc khai thác theo luật quy định, trong đó bao gồm việc sử dụng, quản lý lực lượng lao động, bố trí quy trình công nghệ điều phối sản xuất, kết nối tốt với hệ thống giao thông quốc gia và toàn cầu.
Theo dự đoán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), kinh tế Hà Lan dự kiến tăng trưởng hơn 2% trong tài khóa 2017-2018. Trong tài khóa này, đầu tư của giới doanh nghiệp và tiêu dùng tư nhân của Hà Lan dự kiến vẫn tăng mạnh, trong khi tỷ lệ thất nghiệp có thể tiếp tục giảm.

Hạ tầng giao thông tại Hà Lan. Ảnh: public transport in dutch cities


Bài học kinh nghiệm

Theo các nhà phân tích, mỗi quốc gia có vị trí địa lý, đặc điểm kinh tế-xã hội khác nhau sẽ lựa chọn những mô hình quản lý, các ưu tiên đầu tư khác nhau trong quá trình phát triển và kết nối hệ thống hạ tầng giao thông.
Tầm nhìn dài hạn trong phát triển và kết nối hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy..., của chính phủ cũng như nỗ lực chung của toàn dân đã đưa Singapore và Hà Lan trở thành các nước phát triển và đây là mô hình tốt đối với nhiều nước trên thế giới.
Từ những kinh nghiệm trên của Singapore và Hà Lan, các nước đi sau cần xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ trong phát triển và kết nối hệ thống hạ tầng giao thông. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ sẽ giúp hoạt động vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân, du khách trở nên thuận tiện, góp phần thúc đẩy tăng trưởng hoạt động thương mại, du lịch...
Tiếp đó, các nước cần có cơ chế quản lý phù hợp, xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý, khai thác dịch giao thông vận tải đường bộ, đường sắt...

Ngoài ra, các nước cũng nên tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Lĩnh vực này đòi hỏi nguồn vốn rất lớn nên việc thu hút và sử dụng nguồn vốn hiệu quả là nhiệm vụ không dễ dàng song thực hiện thành công sẽ góp phần phát huy tiềm năng và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế trong nước.

>>>Tiếp tục thực hiện việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục