Hạ viện Mỹ thông qua đề xuất hủy bỏ Luật ủy quyền điều động quân đội tham chiến

14:54' - 18/06/2021
BNEWS Ngày 18/6, Hạ viện Mỹ đã thông qua đề xuất hủy bỏ Luật ủy quyền điều động quân đội tham chiến (AUMF) ban hành năm 2002, vốn được cho là giúp hợp pháp hóa quyền cho phép quân đội Mỹ xâm lược Iraq.

Ngày 18/6, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua đề xuất hủy bỏ Luật ủy quyền điều động quân đội tham chiến (AUMF) ban hành năm 2002, vốn được cho là giúp hợp pháp hóa quyền cho phép quân đội Mỹ xâm lược Iraq.
Cụ thể, sau khi nhận được 268 ủng hộ và 161 phản đối tại Hạ viện Mỹ, đề xuất trên đã được gửi đến Thượng viện để tiếp tục được xem xét thông qua.
Lãnh đạo phe dân chủ tại Thượng viện Mỹ, ông Chuck Schumer, bày tỏ ủng hộ đề xuất và cho biết sẽ đưa ra bỏ phiếu vào một thời điểm phù hợp trong năm nay.

Trước đó, trong hai năm liên tiếp 2019 và 2020, Hạ viện Mỹ đều bỏ phiếu hủy bỏ AUMF 2002, vốn cho phép Tổng thống Mỹ trước đây là ông George W. Bush sử dụng vũ lực quân sự với chế độ của nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein.
Tuy nhiên, đề xuất này sau đó đều bị Thượng viện, khi đó do phe Cộng hòa nắm thế đa số, bác bỏ.
Tinh thần đồng thuận giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ về việc bãi bỏ AUMF được cho là ngày càng lớn, trong đó những người ủng hộ cho rằng luật này đã lỗi thời và Quốc hội nên lấy lại quyền quyết định về các cuộc chiến tranh.
Hiện, đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện mức đa số tối thiểu 50-50. Vì vậy, cần có thêm sự ủng hộ của ít nhất 10 nghị sĩ phe Cộng hòa thì đề xuất này mới được thông qua tại Thượng viện Mỹ.
Trước đó, ngày 15/6, Nhà Trắng lên tiếng ủng hộ bãi bỏ AUMF vì hiện nay Mỹ "không còn các hoạt động quân sự đang diễn ra" chỉ dựa vào AUMF 2002 và việc hủy bỏ luật này chỉ ‘tác động rất nhỏ’ đến các hoạt động quân sự hiện nay.
Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng việc chấm dứt AUMF 2002 sẽ thúc đẩy kẻ thù và gây tổn hại cho các sứ mệnh chống khủng bố./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục