Hải Dương đóng điện 5 trạm biến áp, chống quá tải điện mùa nắng nóng

14:22' - 28/03/2021
BNEWS Công ty Điện lực Hải Dương đặt mục tiêu sản lượng điện thương phẩm đạt trên 6,3 tỷ kWh, tỷ lệ tổn thất dưới 3,5%, chỉ số tiếp cận điện năng dưới 5 ngày...
Trong hai ngày 27 và 28/3, Điện lực Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đã đóng điện 5 trạm biến áp phân phối trên địa bàn để đáp ứng mục tiêu chống quá tải lưới điện hạ thế các xã/phường trên địa bàn trong mùa nắng nóng 2021.

Đó là các trạm biến áp Hiến Thành 4, Thái Thịnh 3, Quang Trung 4, Phúc Thành 2 và Hiệp Hòa 4 thuộc các xã Hiệp Hòa, Quang Thành và phường Thái Thịnh, Hiến Thành.

Theo kế hoạch, năm 2021, tại thị xã Kinh Môn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Điện lực Hải Dương triển khai xây dựng mới 4,816 km đường dây trung thế 35 kV, xây dựng mới 11 trạm biến áp kiểu treo trên 2 cột với tổng công suất 4.720 kVA và cải tạo, xây dựng mới 4,439 km đường dây 0,4 kV xuất tuyến cho 11 trạm biến áp xây dựng mới để đấu nối vào đường dây hạ thế hiện có.

Đây là những biện pháp để chống quá tải lưới điện hạ thế các xã Thượng Quận, Quang Trung, Phúc Thành, Thất Hùng, Lê Ninh, Hiệp Hòa và các phường An Phụ, Thái Thịnh, Hiến Thành, Long Xuyên thuộc thị xã Kinh Môn.

Theo ông Quảng Dương, Giám đốc Điện lực Kinh Môn, hiện nay, Điện lực Kinh Môn có trên 60.000 khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện của người dân địa phương ngày càng tăng cao, trong khi đó, hệ thống lưới điện còn hạn chế, hay xảy ra sự cố.

Để đảm bảo cấp điện chống quá tải năm 2021, ngay từ năm 2020, Công ty Điện lực Hải Dương đã đưa ra chủ trương đầu tư sớm các dự án để đưa vào sử dụng trước mùa nắng nóng năm 2021. Cụ thể, năm 2020 đã triển khai đầu tư xây mới 8 trạm biến áp với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng. Vừa qua, dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình, tuy nhiên đơn vị đã có nhiều cố gắng để đảm bảo hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Cùng với đó, năm 2020, Điện lực Kinh Môn cũng đã thực hiện sửa chữa lớn với giá trị khoảng 10 tỷ đồng đối với các trạm biến áp trên địa bàn các khu dân. Đồng thời, đơn vị đã đưa vào khoảng gần 20.000m cáp để tăng cường cho các khu dân cư, nâng cao năng lực cấp điện của lưới điện hạ thế. Dự kiến đến 30/5/2021, Điện lực Kinh Môn sẽ sửa chữa thường xuyên các hạng mục với kinh phí gần 3 tỷ đồng để đảm bảo phục vụ cấp điện cho mùa nắng nóng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trên địa bàn thị xã.

Việc xây mới các công trình đường dây trung thế và trạm biến áp mới không chỉ đáp ứng mục tiêu chống quá tải cho mùa nắng nóng năm 2021 mà còn góp phần nâng cao độ tin cậy và an toàn cung cấp điện cho các phụ tải, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giảm bán kính cấp điện, giảm tổn thất điện năng trên đường dây, từ đó tăng hiệu quả kinh doanh.

“Như vậy, năm 2021, điện lực Kinh Môn có 21 trạm biến áp để phục vụ nhu cầu mùa nắng nóng. Trong thời gian tới, dự kiến đơn vị sẽ triển khai xây dựng mới thêm 10 trạm và năm 2022, chúng tôi tiếp tục đề xuất công ty xây khoảng 40-50 trạm nữa”, lãnh đạo Điện lực Kinh Môn cho biết.

Cũng trong hai ngày từ 27-28/3, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Điện lực Hải Dương đã đóng điện trên toàn tỉnh cho 29 trạm biến áp chống quá tải phục vụ mùa nắng nóng 2021 tại các huyện: Thanh Hà, Thanh Miện, Ninh Giang, Nam Sách, Cẩm Giàng, Bình Giang, thị xã Kinh Môn và thành phố Hải Dương.

Năm 2021, Công ty Điện lực Hải Dương có kế hoạch triển khai 38 dự án đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư ước khoảng 292 tỷ đồng; trong đó, xây mới 81 trạm biến áp chống quá tải với tổng mức đầu tư 115 tỷ đồng. Tổng dung lượng máy biến áp của 81 trạm này là 33.800 kVA.

So với năm 2020, năm nay, việc triển khai các biện pháp chống quá tải điện cho mùa nắng nóng 2021 được ngành điện Hải Dương chủ động triển khai sớm hơn. Cụ thể, nếu như năm 2020, các dự án chống quá tải hoàn thành trước 30/7 thì năm 2021, các dự án đều hoàn thiện trước thời điểm 15/4, trước mùa nắng nóng.

Năm nay, Công ty Điện lực Hải Dương đặt mục tiêu sản lượng điện thương phẩm đạt trên 6,3 tỷ kWh, tỷ lệ tổn thất dưới 3,5%, chỉ số tiếp cận điện năng dưới 5 ngày, tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt trên 93%, tỷ lệ cung cấp các dịch vụ theo phương thức điện tử trên 98%, tỷ lệ cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 trên 82% và áp dụng nhiều biện pháp hữu hiệu giảm sự cố lưới điện 110 kV…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục