Hài hòa lợi ích trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp

13:50' - 29/04/2022
BNEWS Việc hài hòa trong xây dựng quy định pháp luật vừa đảm bảo việc quản lý, vừa đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường là bài toán rất khó, quốc gia nào cũng phải trải qua.

Ngày 29/4, Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp với các chuyên gia đến từ tổ chức xếp hạng tín nhiệm, quỹ, công ty luật tổ chức tọa đàm trực tuyến: "Chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Gạn đục khơi trong".

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng nhóm nghiên cứu rủi ro tín dụng FiinRatings, FiinGroup cho biết, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp 4 tháng đầu năm đạt 76 nghìn tỷ đồng;  giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong quý I quy mô phát hành đạt 65 nghìn tỷ đồng, tháng 4 đạt 10,8 nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tùng Anh nhận định, giá trị phát hành thị trường sơ cấp tiếp tục chịu ảnh hưởng trong thời gian tới khi dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được thông qua và có hiệu lực.

Dù vậy, ông Anh cho rằng vẫn có những điểm sáng trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp như phát hành ra công chúng 4 tháng đầu năm chiếm tới 11,47% tổng giá trị phát hành, trong khi đó trước đây, con số này thông thường chỉ chiếm từ 4 - 5%. Điều này cho thấy, tiến trình thay đổi về chất đã dần được hình thành trước những thay đổi về chính sách.

Về mặt cơ cấu, trong 4 tháng qua, bất động sản vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu phát hành, đạt tới 28,8 nghìn tỷ đồng. Qua đó cho thấy, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản.

Theo ông Nguyễn Tùng Anh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc một số doanh nghiệp phát hành thiếu lành mạnh gây ra tình trọng “vàng thau lẫn lộn” và các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc để lập lại trật tự, đã có ảnh hưởng đến thị trường.

Ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên VietinBank Capital cho rằng, sự kiện hủy bỏ 9 lô trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh là một cú “thoáng giật mình” cho nhiều bên như tổ chức phát hành, nhà đầu tư đến những đơn vị thứ 3 tham gia phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Các đơn vị trung gian như các công ty chứng khoán tư vấn phát hành, các đơn vị quản lý tài sản đảm bảo, đại lý thanh toán, đại lý lưu ký và đại diện trái chủ đều dừng lại một chút để tự đặt câu hỏi là quá trình cung cấp dịch vụ của mình, cũng như là trái phiếu đã đầu tư có là lựa chọn sáng suốt. Cho đến thời điểm này, có lẽ nhà đầu tư là người “thấm thía” hơn cả, bởi việc họ đã chót đặt lòng tin vào trái phiếu mà bản thân không hiểu rõ.

Ông Khổng Phan Đức cho rằng, động thái chấn chỉnh của các cơ quan chức năng là cần thiết đối với thị trường. Tuy nhiên, chúng ta cần đảm bảo nguyên tắc, đây là thị trường nợ dân sự, ở chừng mực nào đó chúng ta phải coi việc chứng khoán hóa các khế ước nợ dân sự giữa bên cho vay và bên đi vay và tôn trọng sự thỏa ước dân sự đó. “Hãy để cho thị trường, nền kinh tế tự điều tiết”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, chủ thể doanh nghiệp rất quan trọng với đất nước và vì thế phải tạo cho họ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh doanh, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung. Với doanh nghiệp dù là yếu kém, có lỗ, thậm chí đứng trước khả năng phá sản họ vẫn cần được tiếp cận vốn và trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ là một kênh rất quan trọng đối với họ.

Những sai phạm vượt quá xa so với chuẩn mực thì chúng ta cần phải “phanh” lại và tạo ra sự “đánh động” đối với nhà đầu tư, đơn vị phát hành, cơ quan quản lý và các tổ chức trung gian thứ 3, nhưng chúng ta cần tạo điều kiện cho họ khắc phục sai lầm, cũng như tạo điều kiện cho thị trường tự điều tiết thông qua việc nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia thị trường. Theo ông Đức, những lần thanh lọc giúp nâng cao nhận thức hơn rất nhiều việc tuyên truyền đơn thuần.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW nhận định, những sự kiện vừa qua cho thấy cơ quan quản lý thắt chặt việc xử lý sai phạm của một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Trước đây, một số vụ việc sai phạm trong phát hành trái phiếu riêng lẻ thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới chỉ áp đụng việc xử phạt vi phạm hành chính, nhưng lần này động thái của cơ quan chức năng, cơ quan tư pháp, cụ thể là cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can với tội rất nặng đó là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Đây là biện pháp siết chặt của các cơ quan tư pháp còn về khía cạnh xây dựng chính sách luật, tôi được biết Bộ Tài chính xây dựng dự thảo để trình Chính phủ với mong muốn Chính phủ thắt chặt lại các quy định về việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, điều kiện đối với những nhà đầu tư, cách thức kiểm tra, giám sát, sử dụng nguồn vốn khi huy động. Tôi thấy rõ ràng dự thảo này đang theo hướng thắt chặt lại các điều kiện”, ông Hà cho biết.

Ông Hà cho rằng, việc ban hành nghị định mới, hoặc nghị định sửa đổi bổ sung sắp tới có thể ảnh hưởng đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Ông Hà đề xuất, khung pháp luật phải có những quy định vừa thúc đẩy được sự phát triển của thị trường, nhưng phải lấp được những khoảng trống, lỗ hổng, chống việc các nhà đầu tư, tổ chức phát hành lách luật.

Việc hài hòa trong xây dựng quy định pháp luật vừa đảm bảo công tác quản lý, nhưng cũng cần đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường là bài toán rất khó, quốc gia nào cũng  phải trải qua.

Vị  chuyên gia cho rằng, công tác tham mưu là rất quan trọng. Theo đó, cần lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của cộng đồng xã hội, cộng đồng doanh nhân. Cùng đó, cũng nên có cách nhìn cởi mở, không phải vì sự kiện có một số doanh nghiệp sai phạm trong phát hành trái phiếu mà chúng ta lại chuyển từ tư duy rất thoáng sang rất đóng.

Theo Bộ Tài chính, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP vào năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015; trong đó, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 14,2% GDP.

Với sự phát triển ấn tượng như vậy, trái phiếu doanh nghiệp đã giúp ngành ngân hàng giảm bớt áp lực về số dư cho vay cũng như thanh khoản kỳ hạn đối với kênh tín dụng trung dài hạn.

Tuy nhiên, phát triển nóng cũng đồng nghĩa phát sinh nhiều vấn đề mà pháp luật chưa kịp bắt nhịp theo. Cụ thể, một bộ phận nhỏ các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính kém, không đủ điều kiện về chuẩn mực và giới hạn tiếp cận tín dụng đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để huy động vốn.

Từ đây, bằng nhiều con đường khác nhau, trái phiếu doanh nghiệp được phân phối đến các nhà đầu tư; trong đó, có nhà đầu tư cá nhân dưới hình thức "hợp đồng hợp tác đầu tư”.

Bởi vậy, tình trạng trái phiếu doanh nghiệp có thông tin mù mờ, người đầu tư không phải trái chủ và không nắm được mục đích doanh nghiệp sử dụng tiền của mình để làm gì, đã trở nên nhức nhối, tạo nên tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, đến mức, cơ quan quản lý phải tiến hành một loạt động thái thanh lọc như vừa qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục