Hầm Hoàng Liên: Công trình đột phá về hạ tầng giao thông miền núi

16:54' - 23/07/2021
BNEWS Mới đây, tỉnh Lai Châu có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị đầu tư dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa (Lào Cai) với huyện Tam Đường (Lai Châu).

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 3.550 tỷ đồng. Nếu dự án ngày được chấp thuận và triển khai sớm, sẽ là bước đột phá, tháo gỡ nút thắt hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, vận tải, du lịch, liên vận quốc tế… của tỉnh biên giới khó khăn này.

* Nút thắt giao thông đỉnh Hoàng Liên/Ô Quy Hồ

Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Tây Bắc, chủ yếu là đồng bào dân tộc sinh sống có điều kiện kinh tế-xã hội rất khó khăn. Việc đi lại giữa tỉnh Lai Châu với thành phố Hà Nội và các tỉnh khác chủ yếu thông qua quốc lộ 4D. Tuy nhiên, tuyến quốc lộ này với địa hình đồi núi, độ dốc lớn, sương mù dày đặc và nhiều khúc cua nguy hiểm. Đặc biệt là đoạn đi qua đỉnh đèo Hoàng Liên/Ô Quy Hồ giáp ranh giữa huyện Tam Đường (Lai Châu) và thị xã Sa Pa (Lào Cai).

Vào mùa mưa, tuyến đường này liên tục sạt lở, mùa đông xuất hiện băng giá gây ách tắc giao thông, các phương tiện lưu thông rất khó khăn. Cụ thể, vào cuối tháng 11/2020, quốc lộ 4D đoạn đi qua đỉnh đèo Hoàng Liên/Ô Quy Hồ đường đóng băng khiến ách tắc giao thông gần 1 tuần liền.

Do tuyến đường dốc và nhiều khúc cua tay áo, mặt đường hẹp, tầm nhìn hạn chế nên nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Đoạn đi qua đỉnh đèo Hoàng Liên/Ô Quy Hồ dài khoảng 40km nhưng phải di chuyển hơn 1 giờ đồng hồ.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Lai Châu, đoạn đèo Hoàng Liên/Ô Quy Hồ 5 năm qua xảy ra sạt lở gây thiệt hại trên 50 tỷ đồng. Tại đoạn đường này cũng thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vì do đường đèo một bên là núi cao, một bên là vực sâu.

Tuyến vận tải hành khách giữa Lai Châu về các tỉnh miền xuôi và ngược lại hiện nay có nhiều doanh nghiệp khai thác. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trăn trở đoạn đường qua đèo Hoàng Liên/Ô Quy Hồ nguy hiểm và chiếm nhiều chi phí cho toàn chuyến đi.

Ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngân Hà, một trong những doanh nhiệp vận tải lâu năm ở Lai Châu có 20 đầu xe giường nằm hoạt động tuyến Lai Châu - Hà Nội và các tỉnh miền xuôi cho biết, một chuyến xe khách của từ Lai Châu về Hà Nội mất 7 tiếng đồng hồ cho quãng đường 400km.

Tổng chi phí khoảng 6,5 triệu đồng, nhưng riêng gần 100km đoạn đường đèo từ Lai Châu sang Sa Pa đã chiếm tới 50% chi phí xăng dầu, hao mòn… cho chuyến đi. Vận chuyển hành khách mỗi tháng của công ty khoảng 16.000 khách. Nhu cầu đi lại của người dân là lớn nhưng với cung đường nguy hiểm thì không dám đầu tư thêm xe mới.

Không chỉ là vận tải hành khách, vận tải hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn. Là tỉnh có nhiều mặt hàng nông sản phong phú của bà con nông dân, thế nhưng, để vận chuyển được về xuôi cũng rất vất vả do thời gian di chuyển dài.

Anh Phạm Văn Ngọc, một tài xế xe tải đường dài vận chuyển hàng hóa chuyên tuyến Phú Thọ - Lai Châu và ngược lại cho biết, đường ở đây rất dốc, khúc cua nhiều nên xe trọng tải lớn phải chạy chậm. Nếu vào mùa mưa lũ hoặc mùa đông thì vất vả hơn nhiều, có khi nằm lại cả tuần nên rất ảnh hưởng đến hàng hóa vận chuyển về đến địa điểm cần thiết.

Những năm qua, tỉnh Lai Châu đã rất chú trọng đầu tư, khai thác, phát triển tiềm năng du lịch dựa trên sự độc đáo về bản sắc của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và những kỳ quan thiên nhiên. Thế nhưng, việc thu hút được khách du lịch ở ngoại tỉnh đến với Lai Châu vẫn không mấy khả quan. Nguyên nhân chính vẫn là giao thông qua đoạn đèo Hoàng Liên/Ô Quy Hồ không thuận lợi.

Du khách Nguyễn Hoài Sương, ở Nghệ An nói về trải nghiệm khi lên Lai Châu, đoạn đường đèo chạy qua đỉnh Hoàng Liên/Ô Quy Hồ nguy hiểm, người ngồi trong xe rất mệt vì xe liên tục cua gấp. Du khách có lên được đến nơi thì không còn sức để đi ngắm cảnh đẹp nên rất khó thu hút du khách.

Ngoài ra, do giao thông không thuận lợi nên tuyến liên vận quốc tế là cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu (Việt Nam) - Kim Thủy Hà (Trung Quốc) nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai chưa khai thác được những thế mạnh về xuất, nhập khẩu hàng hóa như kỳ vọng.

Tài xế Phạm Văn Ngọc chuyên vận tải chuyến lai Châu- Phú Thọ phải xuống kiểm tra phanh xe ngay khu vực đỉnh Hoàng Liên/Ô Quý Hồ vì liên tục phanh khi xuống dốc. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN

Tuyến đường 4D đi qua đỉnh đèo Hoàng Liên/Ô Quy Hồ đang là điểm nghẽn lớn nhất về giao thông kết nối Lai Châu với các tỉnh, thành phố lớn như Lào Cai, Hà Nội, Hải phòng, Quảng Ninh…

Chính vì thế, việc thu hút đầu tư đến với Lai Châu khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà dù không ít doanh nghiệp, tập đoàn đã lên khảo sát. Đây đang là nút thắt, khiến nhiều tiềm năng, lợi thế của tỉnh Lai Châu chưa được phát triển tương xứng do hạ tầng giao thông không thuận lợi để kết nối với các tỉnh miền xuôi.

* Dự án Hầm Hoàng Liên mở ra sự phát triển nhiều mặt

Dù đời sống kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu đã từng bước ổn định và đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn là một tỉnh khó khăn, trên 75% chi ngân sách địa phương do Trung ương hỗ trợ, do đó, việc huy động các nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh còn hạn chế. Đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh miền xuôi không thuận lợi.

Mới đây, tỉnh Lai Châu đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị đầu tư dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa (Lào Cai) với huyện Tam Đường (Lai Châu). Nếu hầm được xây dựng, đây là bước đột phá về nhiều mặt để Lai Châu phát triển.

Theo báo cáo, dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên có chiều dài 9,5 km; trong đó phần hầm dài 2,5 km; đường dẫn và cầu 7km. Điểm đầu tại Km80 +500, Quốc lộ 4D thuộc địa phận huyện Tam Đường (Lai Châu); điểm cuối tại Km97+500, Quốc lộ 4D thuộc địa phận thị xã Sa Pa (Lào Cai). Tổng mức đầu tư khoảng 3.411 tỷ đồng, dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Khi có hầm Hoàng Liên sẽ thay thế khoảng 17 km đường đèo dốc, quanh co liên tục; rút ngắn thời gian qua đèo Hoàng Liên/Ô Quy Hồ từ gần 40 phút xuống còn 8 phút, đồng thời giải quyết được tình trạng sạt lở, gây ách tắc giao thông kéo dài vào mỗi mùa mưa lũ.

Cải thiện đáng kể thời gian di chuyển của các phương tiện, giảm chi phí vận tải, tăng cường kết nối các trung tâm kinh tế, thị trấn, khu đô thị mới và đầu mối giao thông trên địa bàn hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Giảm thiểu rất lớn về tai nạn giao thông khi không phải di chuyển trên cung đèo nguy hiểm này.

Ông Phạm Văn Tuấn chia sẻ, nếu xây hầm Hoàng Liên thì xe sẽ di chuyển qua hầm và không phải đi qua đoạn đỉnh đèo nguy hiểm. Thời gian đi lại rút ngắn xuống, nhiều chi phí như xăng dầu, hao mòn… sẽ giảm rất nhiều. Mỗi đầu xe của công ty giảm được hơn 35% chi phí cho 1 chuyến đi.

Điều này rất có lợi cho doanh nghiệp, thì người dân cũng được hưởng lợi từ dịch vụ này. Không chỉ ở mức độ 20 đầu xe như hiện tại, công ty sẽ đầu tư mở rộng đội xe lên đến 60 chiếc, tăng chuyến đi… để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Lai Châu có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế cửa khẩu, biên mậu khi kết nối cặp cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng (Việt Nam) - Kim Thủy Hà (Trung Quốc) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Từ đó, kết nối với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ giao thương hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu các loại hàng hóa của Việt Nam.

Nhưng do không có giao thông thuận lợi, nhất là đoạn đèo Hoàng Liên/Ô Quy Hồ nên đã hạn chế đi rất nhiều sự kết nối, luân chuyển hàng hóa, khiến hiệu quả kinh tế chưa cao. Nếu Hoàng Liên được xây dựng, việc lưu thông hàng hóa sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều và lưu lượng vận chuyển tăng lên, góp phần thúc đẩy kinh tế mậu biên của tỉnh.

Ông Tạ Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lai Châu cho biết, hầm Hoàng Liên được xây dựng không chỉ rút ngắn được quãng đường di chuyển mà còn có ý nghĩa rất lớn, tạo bước đột phá nhiều mặt cho tỉnh lai Châu về giao thông vận tải, phát triển kinh tế mậu biên, đảm bảo an ninh - quốc phòng, phát triển du lịch, thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng… tạo ra một tuyến đường thuận lợi để kết nối Lai Châu với các tỉnh thành miền xuôi.

Việc xây dựng hầm Hoàng Liên cũng được nhân dân hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai mong mỏi từ lâu. Anh Giàng Seo Vàng, ở xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà (Lào Cai) thường xuyên sang Lai Châu thăm người thân phấn khởi khi biết thông tin có dự án hầm Hoàng Liên, đi lại thuận tiện, bớt nguy hiểm khi không phải đi lên đỉnh đèo quanh co.

Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên nếu được Chính phủ đồng ý đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lai Châu sẽ triển khai và đưa vào sử dụng sớm để phát huy hiệu quả. Đồng thời, sẽ là động lực quan trọng mở ra hướng phát triển cho tỉnh Lai Châu, đảm bảo thu ngân sách nhà nước tốt hơn, tiến tới cân đối ngân sách, giảm phụ thuộc vào ngân sách Trung ương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục