Hàn Quốc chi 32,7 tỷ USD cho vay tiểu thương nhập hàng dịp Tết Trung thu

10:03' - 12/08/2022
BNEWS Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ nguồn vốn quy mô 42.600 tỷ won (32,7 tỷ USD) để các tiểu thương và doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể vay vốn một cách thuận lợi trước và sau dịp Tết Trung thu. 

Chính phủ Hàn Quốc vừa công bố gói giải pháp ổn định sinh kế cho người dân trong bối cảnh giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng mạnh dự kiến trên 7% trong dịp Tết Trung thu, kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất đối với người dân "xứ Kim chi".

Tại Hội nghị kinh tế dân sinh khẩn cấp vào ngày 11/8, Chính phủ Hàn Quốc quyết định tăng nguồn cung 20 mặt hàng tiêu thụ mạnh vào dịp Tết Trung thu như cải thảo, củ cải, lên tổng cộng 230.000 tấn, nhiều gấp 1,4 lần so với thông thường và là mức tăng kỷ lục.

 

Đồng thời, Chính phủ sẽ hỗ trợ tối đa 65 tỷ won (50 triệu USD) phiếu giảm giá với các mặt hàng nông sản, chăn nuôi, thủy sản nhằm giảm bớt gành nặng của người dân khi nhu cầu mua sắm cho dịp Tết Trung thu tăng cao

Mục tiêu của Chính phủ Hàn Quốc là hạ giá các mặt hàng tiêu thụ mạnh vào dịp Trung thu năm nay xuống bằng ngưỡng giá năm 2021. Cùng với đó, để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận lợi, nhà chức trách Hàn Quốc sẽ cấp phép tạm thời cho xe tải lưu thông tại khu vực trung tâm thành phố và bổ sung thêm nhân lực giao hàng trong đợt Tết Trung thu.

Chính phủ Hàn Quốc cũng tăng cường hỗ trợ cho tầng lớp yếu thế, như hỗ trợ một phần phí nộp chậm bảo hiểm y tế hoặc tiền thuê nhà ở xã hội; đóng băng lãi suất cho vay trong năm liên quan tới nhà ở để giảm gánh nặng sinh hoạt phí cho người dân.

Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ hỗ trợ nguồn vốn quy mô 42.600 tỷ won (32,7 tỷ USD) để các tiểu thương và doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể vay vốn một cách thuận lợi trước và sau dịp Tết Trung thu. Để thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại các chợ đầu mối truyền thống, nhà chức trách sẽ hỗ trợ các tiểu thương vốn nhập hàng, cũng như mở rộng hạn mức phiếu mua hàng giảm giá trong chợ cho người dân.

Theo báo cáo của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, chỉ số giá thực phẩm và đồ uống không cồn trong tháng Bảy năm nay tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong chỉ số giá lương thực kể từ tháng 2/2021. Chỉ số giá nông sản và chăn nuôi trong cùng thời kỳ tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong gần 7 tháng.

Thực phẩm và đồ uống chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng liên quan đến Tết Trung thu và là dữ liệu cốt lõi để đo giá cả sinh hoạt vào dịp Tết Trung thu. 

Tính theo mặt hàng, giá thực phẩm chế biến như dầu ăn tăng 3,7%, thực phẩm tươi sống như rau quả tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá các loại thực phẩm gia dụng thông thường như mì tăng 32,9%, mì gói (9,4%), bánh mì (12,6%), giăm bông xúc xích (8%) và các sản phẩm thịt chế biến (20,3%) mức tăng đáng kể.

 Giá bắp cải đã tăng tới 72,7%, củ cải (53%), thịt bò nhập khẩu (24,7%), thịt lợn (9,9%) và thịt gà (19,0%). Đây là nhóm các mặt hàng có nhu cầu lớn trên thị trường trước kỳ nghỉ lễ và đã có mức tăng đáng kể so với với cùng kỳ năm ngoái./.

>>Hàn Quốc ghi nhận kỷ lục xuất khẩu mì ăn liền

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục