Hàn Quốc đứng thứ 5 về đầu tư cho R&D

13:09' - 28/11/2018
BNEWS Năm 2017, tổng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) của Hàn Quốc đạt 78.789,2 tỷ won (69,64 tỷ USD), tăng 13,5% so với năm 2016, cao thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.

Bộ Khoa học, công nghệ, thông tin và truyền thông Hàn Quốc ngày 27/11 công bố báo cáo “Kết quả điều tra hoạt động nghiên cứu và phát triển năm 2017”, phân tích về các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của Chính phủ, các cơ quan Nhà nước và khối dân sự tiến hành trong nước vào năm ngoái.

Theo đó, trong năm 2017, tổng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) của Hàn Quốc đạt 78.789,2 tỷ won (69,64 tỷ USD), tăng 13,5% so với năm 2016, cao thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.

Tỷ lệ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 4,55%, tăng 0,32%, vượt qua Israel với 4,25% năm 2016 để đứng vị trí thứ nhất thế giới.

Trong năm 2016, chi phí đầu tư vào nghiên cứu và phát triển ở khối dân sự tăng 14,7%, góp phần kéo tổng chi phí đầu tư vào nghiên cứu và phát triển của Hàn Quốc tăng lên. Mức tăng của khối Chính phủ, cơ quan nhà nước chỉ dừng ở 8,1%.

Sử dụng nhiều chi phí đầu tư và phát triển nhất là khối doanh nghiệp, chiếm 79,4%, sau đó là tới các cơ quan nghiên cứu Nhà nước chiếm 12,1%, các trường đại học chiếm 8,5%. Xét theo các giai đoạn, đầu tư vào giai đoạn nghiên cứu phát triển chiếm 63,6%, nghiên cứu ứng dụng chiếm 22% và nghiên cứu cơ bản chiếm 14,5%.

Số nhà nghiên cứu trên 1.000 dân tham gia hoạt động kinh tế là 13,9 người, trên 1.000 dân nói chung là 7,4 người. Trong đó, các nhà nghiên cứu tập trung nhiều nhất ở khối doanh nghiệp (chiếm 71,1%), sau đó tới các trường đại học (21,3%) và các cơ quan nghiên cứu nhà nước (7,6%). Số nhà nghiên cứu là nữ chiếm trên 20%, nhưng vẫn ở mức thấp so với các nước phát triển như Anh (38,6%), Đức (28%) và Pháp (27%).

Bộ Khoa học, công nghệ, thông tin và truyền thông Hàn Quốc sẽ phát hành báo cáo cuối cùng vào tháng 12, công bố trên Hệ thống thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (NTIS) và Cổng thông tin thống kê quốc gia (KOSIS), để các cơ quan nghiên cứu, nhà nghiên cứu và cả người dân có thể dễ dàng tiếp cận. Báo cáo này dự kiến sẽ được gửi tới Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)./.

Xem thêm:

>>Hàn Quốc nới quy định thị thực cho người Việt Nam

>>Hàn Quốc bất đồng trong thẩm định ngân sách 2019

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục