Hàn Quốc ghi nhận trận động đất thứ 2 do thử hạt nhân của Triều Tiên

12:40' - 03/09/2017
BNEWS Khoảng 1 giờ sau khi xảy ra trận động đất thứ nhất, Hàn Quốc lại ghi nhận trận động đất thứ hai xảy ra tại Triều Tiên, gần khu vực Kilju, nơi có bãi thử hạt nhân Punggye-Ri của nước này.
Trận động đất nghi do thử hạt nhân của Triều Tiên: Hàn Quốc khẳng định địa chấn tại khu vực thử hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Hãng tin Yonhap ngày 3/9 đưa tin khoảng 1 giờ sau khi xảy ra trận động đất thứ nhất, Hàn Quốc lại ghi nhận trận động đất thứ hai với cường độ 4,6 độ Richter xảy ra tại Triều Tiên, gần khu vực Kilju, nơi có bãi thử hạt nhân Punggye-Ri của nước này.

Trước đó, Cơ quan Giám sát động đất Trung Quốc cũng thông báo phát hiện trận động đất thứ hai với cường độ tương tự tại Triều Tiên.

Trong tuyên bố trên trang web, cơ quan này cho biết vụ động đất thứ hai xảy ra trên mặt đất, không có tâm chấn và xảy ra chỉ 8 phút sau địa chấn đầu tiên với cường độ ghi nhận được là 6,3 độ Richter.

Theo những số liệu tổng hợp, 2 vụ động đất xảy ra gần giống nhau.

Trong khi đó, theo hãng tin Kyodo, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết chính phủ nước này xác nhận Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu.

Trước đó, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố kịch liệt phản đối nếu đây là vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên.

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói: "Nếu đúng Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân, điều này này hoàn toàn không thể chấp nhận được và chúng tôi kịch liệt lên án hành động này".

Ngoài việc tuyên bố sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước khác như Mỹ, Trung Quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, ông Abe cho biết ông đã chỉ thị cho các bộ, ngành liên quan họp khẩn cấp và phân tích tình hình trước khi công bố thông tin này.

Ngay lập tức, Chính phủ Nhật Bản cũng triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia với sự tham gia của nhiều bộ trưởng nhằm phản ứng với khả năng Bình Nhưỡng thử hạt nhân.

Nếu được khẳng định, đây sẽ là vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Triều Tiên kể từ năm 2006.

Hành động này của Triều Tiên đang tạo ra thách thức lớn cho sáng kiến hòa bình của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, theo đó thuyết phục Bình Nhưỡng thay đổi chính sách, hướng tới phi hạt nhân thông qua đối thoại và giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt./.

Xem thêm:

>>>Nhiều nước kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân và tên lửa

>>>IAEA bắt đầu thanh sát về an ninh hạt nhân của Trung Quốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục