Hàn Quốc: Khủng hoảng kinh tế lần thứ ba đang "rình rập"

06:30' - 16/09/2022
BNEWS "Cho đến thời điểm hiện tại, thâm hụt thương mại không ở mức đáng lo ngại song cũng có thể được coi là dấu hiệu gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Hàn Quốc nếu không được cải thiện sớm".
Tờ Thời báo Hàn Quốc số ra ngày 13/9 dẫn nhận định của Giáo sư Kim Jin-il thuộc trường Đại học Korea, đồng thời là cựu chuyên gia kinh tế của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giai đoạn 1996-1998 và 2003-2011, kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc nâng cao cảnh giác trước một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra khi nền kinh tế "xứ kim chi" đang phải đối mặt với những thách thức tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008-2009).
Theo Giáo sư Kim Jin-il, thâm hụt thương mại kéo dài 5 tháng mà Hàn Quốc phải gánh chịu là "điều hiếm gặp" và có thể được coi là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng nếu tiếp tục kéo dài. Ông đánh giá nền kinh tế lớn thứ tư châu Á hiện đang trải qua thời kỳ hỗn loạn có thể so sánh với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 trước đây.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của tờ Thời báo Hàn Quốc ở thời điểm lần đầu tiên kể từ năm 2008, nền kinh tế nước này ghi nhận thâm hụt thương mại trong tháng thứ 5 liên tiếp vào tháng 8/2022, Giáo sư Kim Jin-il nhấn mạnh: "Cán cân thương mại mất cân bằng có thể làm dấy lên nghi ngờ về các nền tảng kinh tế cơ bản của Hàn Quốc ở bên ngoài đất nước".
Trong tháng 8/2022, Hàn Quốc đã ghi nhận mức thâm hụt cao kỷ lục 9,47 tỷ USD do nhập khẩu tăng 28,2% (so với cùng kỳ năm 2021) lên 66,15 tỷ USD trong khi các lô hàng xuất khẩu chỉ tăng 6,6% lên mức 56,6 tỷ USD.
Ông Kim Jin-il lưu ý thêm rằng: "Cho đến thời điểm hiện tại, thâm hụt thương mại không ở mức đáng lo ngại song cũng có thể được coi là dấu hiệu gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Hàn Quốc nếu không được cải thiện sớm".
Cán cân thương mại là một trong những chỉ số kinh tế bị suy giảm đến mức tồi tệ nhất, do hậu quả của một trong hai sự kiện đã ảnh hưởng đến kinh tế Hàn Quốc là Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 và Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Các chỉ số này bao gồm: Tốc độ tăng trưởng, giá tiêu dùng, tỷ giá hối đoái với đồng USD, dự trữ ngoại hối và nợ nước ngoài ngắn hạn.
Trong khi Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2022 từ 2,7% xuống 2,6% trong sửa đổi mới nhất thì những lo ngại về lạm phát vẫn kéo dài khi giá tiêu dùng đã tăng 5,7% trong tháng Tám (so với một năm trước đó). Đồng nội tệ của Hàn Quốc (won) đã giảm xuống dưới mức 1.380 won đổi lấy 1 USD lần đầu tiên trong hơn 13 năm trong khi tỷ lệ nợ nước ngoài ngắn hạn so với dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 10 năm.
Chính những hoàn cảnh bất lợi mà Hàn Quốc phải đối mặt đã làm dấy lên lo ngại rằng nước này có thể một lần nữa đứng trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng kinh tế. Trong cuộc họp với các bộ trưởng kinh tế vào ngày 24/8 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố sẽ nỗ lực ngăn chặn, không để xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính khác trong bối cảnh đồng won giảm giá nhanh so với đồng USD và thâm hụt thương mại gia tăng.
Theo Giáo sư Kim Jin-il, có thể thấy Hàn Quốc của năm 2022 cũng gần giống Hàn Quốc trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, bởi vì trong cả hai thời điểm nền kinh tế đều bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng kinh tế do các yếu tố bên ngoài khởi xướng. Đó là đại dịch COVID-19 vào cuối năm 2019 và cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn của Mỹ năm 2007.
Khi được hỏi liệu Hàn Quốc có khả năng chịu đựng cuộc khủng hoảng kinh tế lần thứ ba nếu nó thật sự xảy ra hay không? Giáo sư Kim cho rằng điều đó là "không chắc chắn" bởi thực tế là các rủi ro do đại dịch COVID-19 gây ra là "mới mẻ đối với toàn thế giới".
Ông chỉ ra rằng những rủi ro bên ngoài vào năm 2022 - cụ thể là xung đột ở Ukraine, tắc nghẽn chuỗi cung ứng, xung đột thương mại Mỹ-Trung, xu hướng tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc và đáng chú ý là chính sách thắt chặt tín dụng của Mỹ - đang diễn ra đồng thời. Do đó, "bối cảnh này có sự khác biệt so với trước đây khiến Hàn Quốc khó đối phó hơn".
Đề cập đến các biện pháp đối phó có thể có của Chính phủ Hàn Quốc, Giáo sư Kim lưu ý rằng: "Những rủi ro đó nằm ngoài tầm với của chính phủ bởi chúng đến từ bên ngoài". Ông nhấn mạnh thêm rằng Chính phủ Hàn Quốc nên đặt ra các ưu tiên chính sách. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là phải tìm kiếm sự đồng thuận của xã hội trong quá trình này.
Giáo sư Kim dự báo rằng cách tiếp cận diều hâu của Fed đối với việc tăng lãi suất có thể sẽ tiếp tục cho đến khi lạm phát của Mỹ có dấu hiệu giảm xuống dưới mức 2,5% (do Fed đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2%). Ông cũng hy vọng rằng việc Mỹ tăng lãi suất mạnh mẽ chỉ có thể gây ra sự thoái vốn trong ngắn hạn chứ không có khả năng kích hoạt xu hướng này trong trung và dài hạn bởi BoK bắt đầu thắt chặt tiền tệ sớm hơn Fed và đã cảnh báo về việc liên tục tăng lãi suất cơ bản.
Ông nói: "Trong hoàn cảnh đó, BoK được khuyến khích phải tuân theo chính sách của mình để giành lấy sự tin tưởng của thị trường, đồng thời kêu gọi ngân hàng trung ương theo đuổi một chuỗi tăng lãi suất phủ đầu kéo dài liên tục cho đến khi quá trình tăng lãi suất của Fed kết thúc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục