Hàn Quốc quan ngại về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

16:37' - 31/07/2019
BNEWS Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn trước đó cùng ngày.
Người dân theo dõi qua truyền hình hình ảnh Triều Tiên phóng thử tên lửa, tại nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc ngày 31/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tuyên bố, Phủ Tổng thống Hàn Quốc nêu rõ các thành viên Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc (NSC) bày tỏ quan ngại sâu sắc rằng việc Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn có thể gây tác động tiêu cực tới các nỗ lực thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, NSC cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các nỗ lực ngoại giao nhằm nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên vốn đang bị đình trệ.

Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, trước đó cùng ngày, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo từ Bán đảo Hodo thuộc tỉnh Nam Hamgyong ở bờ biển phía Đông nước này. Các tên lửa này bay khoảng 250 km trước khi rơi xuống biển. Đây là vụ phóng thứ hai của Triều Tiên trong vòng 1 tuần.

Trong cuộc họp báo cùng ngày, khi được hỏi về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định Bắc Kinh hy vọng Washington và Bình Nhưỡng sẽ tiến hành các nỗ lực tích cực để thúc đẩy phi hạt nhân hóa cũng như đạt được hòa bình và ổn định lâu dài.

Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên dường như là nhằm phản ứng cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, dự kiến diễn ra vào tháng tới cũng như tăng cường vị thế đàm phán của Bình Nhưỡng trước khi nối lại đàm phán hạt nhân với Mỹ. Theo giới chuyên gia, Bình Nhưỡng có thể tiến hành thêm các vụ phóng tên lửa cho đến khi cuộc tập trận, mang tên "19-2 Dong Maeng" kết thúc.

Giáo sư Nam Chang-hee, Đại học Inha, cho biết dựa trên tầm bắn và tầm bay của các tên lửa, có thể thấy vụ phóng này nhằm trực tiếp vào Hàn Quốc. Cùng quan điểm trên, Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên nhấn mạnh vụ phóng này nhằm gây áp lực đối với Seoul do Hàn Quốc không thay đổi quan điểm về các cuộc tập trận.

Trong khi đó, ông Shin Beom-chul, một nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Asan, cho rằng Triều Tiên muốn thu hút sự chú ý của Mỹ, để Washington đưa ra những điều khoản gần hơn với những yêu cầu của Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, vụ phóng này còn phát đi thông điệp rằng các cuộc đàm phán có thể "đổ bể" nếu Mỹ không hành động.

Lâu nay, Triều Tiên vẫn luôn chỉ trích các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, coi đây là các cuộc diễn tập cho việc xâm lược. Tuy nhiên, cả Seoul và Washington đều bác bỏ quan điểm trên của Bình Nhưỡng, khẳng định các cuộc tập trận này hoàn toàn chỉ mang tính phòng vệ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục