Hàn Quốc rộng cửa chào đón doanh nghiệp Việt, tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam

11:07' - 24/11/2022
BNEWS Hàn Quốc đang nỗ lực khắc phục mất cân bằng thương mại thông qua tăng cường nhập khẩu các sản phẩm Việt Nam, khuyến khích đầu tư, chuyển giao công nghệ và hợp tác khoa học công nghệ chặt chẽ.

Việt Nam và Hàn Quốc đang tiến tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992 – 22/12/2022). Hai nước cũng đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030.

Để đạt mục tiêu này, Hàn Quốc khẳng định nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác, đặc biệt khắc phục vấn đề mất cân bằng thương mại thông qua việc tăng cường nhập khẩu các sản phẩm Việt, khuyến khích đầu tư, chuyển giao công nghệ và tích cực hợp tác khoa học công nghệ chặt chẽ.

Với những tín hiệu tích cực từ chính quyền hai nước, phối hợp chặt chẽ cùng các tổ chức, hiệp hội nhằm thúc đẩy mạnh mẽ giá trị thương mại song phương để đạt mục tiêu năm 2023 và 2030, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ, điện tử… đang có nhiều điều kiện thuận lợi và cơ hội rất lớn để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc.

Ông Phạm Việt Tuấn, Bí thư thứ nhất, phụ trách lĩnh vực đầu tư (Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, nhận định: “Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam hiện là một trong những đối tác quan trọng của Hàn Quốc. Hai nước cũng đang hướng tới nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện” nên cơ hội phát triển của các doanh nghiệp Việt tại thị trường Hàn Quốc đang vô cùng rộng mở. Tuy nhiên, Hàn Quốc không chỉ hợp tác với Việt Nam nên nếu muốn nâng vị thế của mình tại một cường quốc về thông tin-truyền thông thì điều quan trọng nhất là chúng ta cần nâng cấp yếu tố con người, đặc biệt khi lực lượng lao động tại Hàn đang khan hiếm”. 

Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc, chỉ tính riêng trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Hàn Quốc đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng. Ngành công nghiệp bán dẫn đang thiếu hụt khoảng 3.000 nhân lực mỗi năm. Trong khi Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc dự báo sẽ cần khoảng 47.000 nhân lực có trình độ cử nhân trở lên từ năm 2024-2028 mới đủ để bù đắp cho sự khan hiếm lao động khoa học công nghệ.

Việc thiếu hụt nhân lực trình độ cao trong khi dân số có xu hướng già hóa và nhu cầu phát triển công nghệ cao nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế so với thế giới khiến Hàn Quốc đang rộng cửa hơn bao giờ hết đối với lực lượng lao động nước ngoài cũng như tích cực hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ Việt. Đặc biệt khi Hàn Quốc đang ưu tiên đầu tư phát triển các lĩnh vực mới như công nghệ 6G, trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ sinh học…

Ông Phạm Việt Tuấn cũng cho biết thêm, trước đây Hàn Quốc chủ yếu chỉ thuê các công ty Việt Nam gia công sản phẩm. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển ngày càng nhanh cùng trình độ chuyên môn được nâng cao đáng kể và Việt Nam định hướng trở thành một quốc gia số hóa thì hiện nay, chúng ta đã có thể hợp tác, cung cấp cho các doanh nghiệp Hàn những sản phẩm, dịch vụ cao hơn trong chuỗi cung ứng; thay vì hợp tác theo chiều dọc, chúng ta có thể hợp tác theo chiều ngang, cùng nghiên cứu phát triển và tiến vào thị trường các nước thứ ba.

Để nâng cao lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, cần tập trung vào yếu tố con người. Đội ngũ nhân sự Việt Nam cần phải năng động, linh hoạt, giỏi chuyên môn; có khả năng làm việc với cường độ cao, áp lực lớn, làm việc hiệu quả trong môi trường quốc tế. Đặc biệt, chúng ta cần phải thấu hiểu văn hóa, phong cách, thông lệ làm việc của Hàn Quốc; xây dựng được tầm nhìn dài hạn với từng bước đi nhỏ vững chắc; thể hiện được nét khác biệt vượt trội của mình.

Nắm bắt được điều này, các công ty Việt Nam cũng đang tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp Hàn, bao gồm xuất khẩu các giải pháp phần mềm, cung cấp dịch vụ offshore, xuất khẩu kỹ sư Việt chất lượng cao…

Về vấn đề này, ông Phạm Thái Sơn, Tổng Giám đốc Công ty NTQ Solution, tốp 10 Công ty IT Việt Nam về xuất khẩu phần mềm 2021-2022, cho biết: “NTQ Solution là một trong những doanh nghiệp IT Việt tiên phong mở chi nhánh tại Seoul vào năm 2019. Ba năm qua, chúng tôi luôn nỗ lực khẳng định mình thông qua tập trung nâng cao năng lực đội ngũ kỹ sư, tăng cường tuyển dụng nhân tài, đặc biệt chú trọng vào khả năng ngôn ngữ và giao tiếp của đội ngũ để thấu hiểu văn hóa và nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường; nhờ vậy, NTQ hiện là đối tác của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc lớn, tiêu biểu như Golfzon”.

Ông Phạm Thái Sơn cho biết thời gian tới NTQ Solution sẽ ưu tiên đầu tư phát triển chi nhánh Hàn Quốc. Không chỉ ứng dụng các công nghệ mới như AI, Simulation, Blockchain…là các công nghệ có giá trị ứng dụng rất cao trong nhiều lĩnh vực trọng điểm như công nghiệp, tài chính, quốc phòng…mà sẽ tiếp tục tập trung vào mảng dịch vụ thế mạnh xuất khẩu phần mềm, các hoạt động hợp tác nghiên cứu công nghệ R&D cũng như triển khai các khóa đào tạo đặc biệt dành riêng cho đội ngũ nhân sự phục vụ khách hàng Hàn Quốc như chương trình nâng cao tiếng Hàn cho đội ngũ sản xuất, chương trình xây dựng đội kỹ sư phái cử…

Kể từ khi thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc (1992) đến nay, quan hệ thương mại giữa hai quốc gia đã tăng gần 160 lần, từ 500 triệu USD vào năm 1992 đến 80,7 tỷ USD vào năm 2021 và đang nỗ lực tiến tới 100 tỷ USD vào năm 2023, 150 tỷ USD vào năm 2030.

Trong lĩnh vực đầu tư, Hàn Quốc nhiều năm nay luôn là nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Việt Nam với hơn 9.000 doanh nghiệp, trên 9.500 dự án, tổng số vốn lũy kế đến hết năm 2022 dự kiến đạt khoảng 90 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc tại khu vực Đông Nam Á./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục