Hàn Quốc thắt chặt quản lý nợ hộ gia đình khi thị trường bất động sản nóng lên

19:28' - 06/09/2024
BNEWS Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính (FSC) Hàn Quốc Kim Byung-hwan cho biết chính phủ nước này vẫn giữ nguyên chính sách thắt chặt quản lý nợ hộ gia đình.
Tại buổi họp báo sau cuộc thảo luận về các vấn đề nổi cộm liên quan tới kinh tế vĩ mô và tài chính ngày 6/9, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính (FSC) Hàn Quốc Kim Byung-hwan cho biết chính phủ nước này vẫn giữ nguyên chính sách thắt chặt quản lý nợ hộ gia đình.

Chủ tịch FSC cho biết thị trường bất động sản gần đây đang có dấu hiệu nóng lên, kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của các khoản vay hộ gia đình. Nếu không kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng khoản mục này, Hàn Quốc sẽ rất khó để duy trì sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và thị trường nhà ở, gây bất lợi cho người dân.

Ông Kim nhấn mạnh việc quản lý các khoản vay hộ gia đình là cần thiết, các tổ chức tài chính nên tự đánh giá mức độ rủi ro và đặc điểm của từng khách hàng để đưa ra các biện pháp phù hợp gồm cả việc hạn chế nhu cầu đầu cơ, thay vì để chính phủ gia tăng biện pháp kiểm soát. Các ngân hàng hiểu rõ nhất tình hình của khách hàng và sẽ có khả năng xử lý các vấn đề tồn đọng một cách hợp lý tại các điểm giao dịch.
 
Chủ tịch FSC cho biết quan điểm nhất quán của chính phủ là giảm tỷ lệ nợ hộ gia đình xuống mức an toàn để đạt được sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và tài chính. Nếu gánh nặng nợ tiếp tục tăng lên, điều này không chỉ gây áp lực lên nền kinh tế mà còn tạo ra vòng luẩn quẩn khiến thị trường bất động sản quá nóng và làm thị trường tài chính bất ổn. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ sẵn sàng thực hiện các biện pháp quản lý bổ sung một cách quyết liệt và kịp thời nếu tình hình tiếp tục xấu đi.

Ông Kim Byung-hwan cũng kêu gọi các ngân hàng và công ty tín dụng quản lý việc cho vay một cách hợp lý; đồng thời khuyến cáo người dân không nên vay quá khả năng chi trả chỉ vì nôn nóng muốn mua nhà.

Hiện nay, các ngân hàng đang nỗ lực quản lý các khoản vay, tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng lập trường của Chính phủ Hàn Quốc còn chưa rõ ràng và biện pháp của các ngân hàng không đồng nhất.

Cơ quan Giám sát dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSS) trước đó đã tổ chức buổi tọa đàm về quản lý nợ hộ gia đình với sự tham gia của đại diện các hiệp hội tài chính, giới chuyên gia thị trường và người tiêu dùng tài chính.  Giám đốc FSS Lee Bok-hyun nhận định thời gian gần đây, nợ hộ gia đình đang tăng vọt do sự hồi phục thị trường nhà ở tập trung ở khu vực Seoul và lân cận xuất phát từ tâm lý kỳ vọng lãi suất giảm. Nếu không quản lý thích hợp nhu cầu vay thì tình trạng bất cân bằng tài chính sẽ càng trầm trọng hơn, người có nhu cầu mua nhà thực sẽ càng trở nên bất an hơn.

Cơ quan tài chính sẽ duy trì đường lối quản lý nợ hộ gia đình hiện nay, tiếp tục thực thi quy chế áp thêm 0,75% lãi suất với các khoản vay thế chấp nhà, vay tín dụng.

Theo FSS, xét tới quy mô thu hồi nợ bình quân đối với các khoản vay thế chấp nhà, ước tính bình quân là 12.000 tỷ won (8,94 tỷ USD)/tháng, nếu các ngân hàng ưu tiên rót vốn vay cho người thực sự có nhu cầu thì sẽ vừa có thể quản lý quy mô cho vay, vừa tiếp tục cung cấp vốn cho người có nhu cầu thực không bị gián đoạn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục