Hàn Quốc thúc đẩy các biện pháp bình ổn thị trường trái phiếu

07:30' - 12/02/2022
BNEWS Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 11/2 đã nhất trí thúc đẩy các biện pháp nhằm bình ổn thị trường trái phiếu.

Đồng thời hợp tác để hạn chế áp lực lạm phát ngày càng tăng trong bối cảnh chi phí năng lượng leo thang.

 

Sự đồng thuận đã đạt được trong cuộc họp do Bộ trưởng Tài chính Hong Nam-ki chủ trì để thảo luận với Thống đốc BoK Lee Ju-yeol và các cơ quan quản lý tài chính về các yếu tố rủi ro kinh tế, biến động thị trường, mất cân bằng tài chính và tác động kinh tế của tình trạng căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine.

Trong tuyên bố chung, các bên tham gia cho hay: "Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ để vận hành các chính sách tài khóa, tiền tệ và tài chính nhằm hài hòa các mục tiêu chính sách khác nhau".

Ông Lee Ju-yeol cùng Phó chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) Doh Kyu-sang, và Giám đốc Dịch vụ Giám sát Tài chính Jeong Eun-bo đã tham dự cuộc họp trên.

Để ổn định thị trường trái phiếu chính phủ, BoK sẽ tìm cách mua thêm trái phiếu và điều chỉnh việc bán trái phiếu bình ổn tiền tệ hàng tháng. Ngân hàng này đã mua một lượng trái phiếu nhà nước trị giá 2.000 tỷ won (1,7 tỷ USD) hôm 7/2 vừa qua để xoa dịu sự lo lắng của thị trường.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Hàn Quốc có kế hoạch bán lượng trái phiếu chính phủ tương tự theo từng giai đoạn nhằm giảm thiểu tác động của việc bán nợ trên thị trường trái phiếu.

Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch phát hành 11.300 tỷ won trái phiếu để tài trợ cho gói ngân sách bổ sung trị giá 14.000 tỷ won. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Hàn Quốc kỳ hạn 3 năm gần đây đã tăng đột biến trong bối cảnh BoK thắt chặt chính scahs tiền tệ và lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng cao.

Nền kinh tế Hàn Quốc đang trên đà phục hồi, nhưng phải đối mặt với rủi ro kinh tế bên ngoài gia tăng trong bối cảnh giá dầu tăng và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ đẩy sớm kế hoạch thắt chặt tiền tệ.

Bộ trưởng Hong nói: "Bất ổn có thể gia tăng liên quan đến lãi suất, ngoại hối và dòng vốn xuyên biên giới, trong khi giá tài sản có thể giảm. Điều này có thể gây ra tác động tiêu cực đến nợ hộ gia đình, khu vực kinh doanh tự do và phi ngân hàng".

Các bên tham gia cũng nhất trí hợp tác để bình ổn giá tiêu dùng trong nửa đầu năm với trọng tâm là kiềm chế kỳ vọng lạm phát và lạm phát cơ bản.

Vào tháng 1/2022, giá tiêu dùng tại "xứ sở kim chi" đã tăng 3,6% so với một năm trước. Đây là tháng thứ tư liên tiếp lạm phát tiêu dùng của nước này tăng hơn 3%. BoK đặt mục tiêu giữ lạm phát hàng năm ở mức 2% trong trung hạn.

Giá dầu tăng vọt và đồng won suy yếu đã đẩy các chi phí nhập khẩu của nước này lên cao, gây áp lực lên lạm phát. Giá dầu thô Dubai, loại dầu được coi là tiêu chuẩn ở thị trường Hàn Quốc, đã tăng lên mức 90,91 USD/thùng hôm 7/2, từ mức 77,12 USD/thùng vào cuối năm 2021.

Các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc cũng thảo luận về các kế hoạch dự phòng kinh tế để chống chọi với khả năng xấu đi của cuộc khủng hoảng Ukraine.

Họ nêu ra sự cần thiết phải nhanh chóng quyết định xem có nên bình thường hóa các quy tắc thanh khoản ngoại hối đã nới lỏng cho các ngân hàng và kiểm tra tình hình thanh khoản ngoại hối tại các tổ chức phi ngân hàng hay không./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục