Hàn Quốc tiếp tục đối mặt với "cơn bão" thiếu nguyên vật liệu

06:30' - 08/11/2021
BNEWS Tại Hàn Quốc, làn sóng khủng hoảng nguyên liệu thiết yếu do đứt gãy chuỗi cung ứng dường như đang chuyển từ dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel sang vật liệu silicon.
Báo Donga Ilbo đăng bài phân tích về tình trạng thiếu hụt dây chuyền các nguyên liệu đầu vào tiếp sau cuộc khủng hoảng dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel tại Hàn Quốc.

Làn sóng khủng hoảng nguyên liệu thiết yếu do đứt gãy chuỗi cung ứng dường như đang chuyển từ dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel sang vật liệu silicon.

Silicon, vốn được sử dụng rộng rãi như một nguyên liệu trong các vật dụng thiết yếu hàng ngày như bình sữa, thìa trẻ em, cũng như ô tô và điện thoại thông minh..., đang đối mặt với tình trạng tăng giá không thể dự đoán.

Silicon cũng là nguyên liệu thô thiết yếu để làm vật liệu chống thấm và chất kết dính trong xây dựng. Đây cũng là nguyên liệu không thể thiếu không chỉ lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế tạo ô tô, nội thất gia dụng.

Giới chuyên môn Hàn Quốc nhận định nếu sự thiếu hụt nguồn cung silicon trở nên nghiêm trọng, có khả năng xảy ra “cuộc khủng hoảng dung dịch xử lý khí thải thứ 2” và điều này sẽ gây thiệt hại lớn cho đời sống kinh tế và khu vực công nghiệp của nước này.

Với tình hình thiếu khoáng sản các loại xuất phát từ nguyên nhân thiếu điện ở Trung Quốc, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung các nguyên liệu thiết yếu gia tăng, có thể nhận thấy tình hình ở Hàn Quốc đang ngày càng khó lường và nghiêm trọng.  

Hiện tượng tăng giá đột ngột đồng loạt các nguyên liệu

Số liệu thống kê công bố ngày 4/11 cho thấy các nhà sản xuất silicon như KCC và Shin-Etsu đã tăng giá chất trám (keo silicon) dùng làm vật liệu hoàn thiện từ 10-60% với các lô hàng giao trong tháng 11.

Ở thời điểm tháng Tám, một thùng silicon 10 lít bán chỉ với giá 60.000 won (51 USD) song giờ đã tăng lên 160.000 won.

Một nhà phân phối silicon được báo Donga Ilbo dẫn lời cho biết: “Dù chấp nhận giá tăng nhưng việc mua nguyên liệu cũng không dễ dàng. Tại các nhà máy, nguồn cung cấp nguyên liệu từ Trung Quốc bị chặn nên sản phẩm không kịp sản xuất, người bán buôn luôn trong tình trạng tồn đơn do thiếu hàng. Số hàng còn lại cũng sẽ hết trong tháng tới”. Theo ông, có những khách hàng muốn bỏ công trình xây dựng dở vì đơn giá vật liệu đã đội lên gấp hai, ba lần.

Sự thiếu hụt silicon bắt nguồn từ tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc. Để sản xuất silicon, cần phải tiêu thụ một lượng điện lớn vì thế chi phí điện là phần đáng kể trong giá thành silicon thành phầm và vì vậy silicon chủ yếu được sản xuất tại các vùng có giá điện rẻ ở Trung Quốc.

Do tình trạng thiếu điện, các nhà máy ở tỉnh Vân Nam, chiếm 20% sản lượng silicon, đã được lệnh giảm sản lượng sản xuất silicon 90%. Vì lý do cắt giảm sản lượng đột ngột, giá silicon đã tăng lên 61.000 nhân dân tệ/tấn vào tháng 10/2021, tăng khoảng 260% so với hồi đầu tháng Tám.

Giá magiê, một nguyên liệu thô cho hợp kim nhôm và than bitum, một nguyên liệu chính cho xi măng, cũng đang tăng do tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc. Các lò luyện kim ở tỉnh Thiểm Tây, nơi sản xuất 60% magiê của Trung Quốc, đã bị cắt giảm một nửa sản lượng kể từ tháng Chín do các hạn chế về tiêu thụ điện năng.

15 trong số 50 nhà máy sẽ ngừng sản xuất vào mùa Xuân tới. Giá magiê đã tăng từ 20.000 nhân dân tệ/tấn trong tháng Tám lên 60.000 nhân dân tệ/tấn vào tháng 10/2021.

Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô châu Âu cũng đang gặp phải tình trạng gián đoạn sản xuất do giá magiê tăng và tình trạng khan hiếm một số nguyên liệu đầu vào.

Đa dạng hoá là giải pháp

Một quan chức trong ngành xây dựng Hàn Quốc cho biết sự bùng nổ trong hoạt động xây dựng của Trung Quốc như một biện pháp kích thích để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 cũng được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu các loại.

Chính phủ Trung Quốc triểu khai đồng loạt các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn và có chủ trương chuyển khoáng sản để xuất khẩu sang phục vụ nhu cầu trong nước. Thông tin cho biết: "20% vật liệu xây dựng của Hàn Quốc được nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Vì thế, khi Trung Quốc hấp thụ lượng nguyên liệu này, cung và cầu trong nội địa Hàn Quốc giảm xuống còn 80%".

Bức tranh còn tệ hơn khi 60 mỏ than ở tỉnh Thiểm Tây, khu vực sản xuất than lớn nhất Trung Quốc, đã phải đóng cửa vào tháng trước do mưa lớn, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu than cho sản xuất điện.

Thêm vào đó, tháng Sáu vừa qua, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra ở một nhà máy sản xuất silicon lớn của Trung Quốc, khiến giá chất trám silicon càng tăng thêm.

Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất, chiếm tới sản lượng 67% silic và 87% magiê trên thế giới. Với những con số này, có thể nhìn thấy một bức tranh tổng thể của "cơn bão giá" nguyên vật liệu đang tràn đến.

Rất khó để dự đoán khi nào cú sốc chuỗi cung ứng sẽ kết thúc. Giá nguyên liệu thô, đạt đỉnh vào tháng Chín và tháng 10, gần đây đã điều chỉnh nhẹ, nhưng việc kiểm soát sản xuất đang được Chính phủ Trung Quốc duy trì ở Vân Nam, Tân Cương và Tứ Xuyên, các vùng sản xuất silicon chính. Giá vật liệu xây dựng được dự báo sẽ tiếp tục tăng do khủng hoảng chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào.

Giá than bitum, chiếm 30% giá thành sản xuất xi măng, đã tăng hơn ba lần trong một năm và đang gây ra những tác động lớn.

Những diễn biến này khiến các chuyên gia cho rằng cần phải quản lý chuỗi cung ứng của các loại khoáng sản thiết yếu, bao gồm cả kim loại hiếm. Giới chuyên môn chỉ ra rằng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã ra quy định và lên danh sách quản lý đối với 25-35 loại khoáng sản thiết yếu, nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất.

Lim Kyung-mook, người đứng đầu Trung tâm Công nghệ Công nghiệp Kim loại hiếm tại Viện công nghệ sản xuất Hàn Quốc, cho biết các kim loại hiếm, dù chỉ với một lượng nhỏ, là không thể thiếu trong quá trình sản xuất nhằm tăng hiệu suất của các vật liệu xây dựng hay thành phẩm bán dẫn.

Vì thế, nếu chỉ quản lý đối với các nguyên liệu này thôi là chưa đủ mà còn cần phải có chiến lược đa dạng hóa nguồn cung đồng thời tập trung phát triển các nguyên liệu thay thế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục