Hàn Quốc trước khả năng tiếp tục tăng lãi suất

09:29' - 22/02/2023
BNEWS Theo Công ty môi giới ngoại hối Seoul ngày 22/2, tỷ giá hối đoái won-USD đóng cửa ở mức 1295,9 won đổi lấy 1 USD vào ngày 21/2, tăng so với một ngày trước đó.

Khi các chỉ số về lạm phát và việc làm trong tháng 1/2023 không đạt kỳ vọng thị trường, Mỹ đang cho thấy xu hướng tiếp tục tăng lãi suất. Điều này thu hút sự chú ý của Hàn Quốc bởi lẽ nước này đã liên tục điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản theo các bước tăng của Mỹ trong năm 2022.

 
Tuy nhiên, nếu Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) phản ứng bằng cách tăng lãi suất cơ bản thì kinh tế Hàn Quốc, vốn đã bước vào giai đoạn suy thoái, có thể trở nên tồi tệ hơn. Hiện tại, khi tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng won dao động quanh mức 1.300 won đổi lấy 1 USD, sự chú ý tập trung vào định hướng chính sách kinh tế của Chính phủ Hàn Quốc trong thời gian tới.

Theo Công ty môi giới ngoại hối Seoul ngày 22/2, tỷ giá hối đoái won-USD đóng cửa ở mức 1295,9 won đổi lấy 1 USD vào ngày 21/2, tăng so với một ngày trước đó.

Tỷ giá hối đoái giữa won và USD đã tăng lên 1.450 won đổi lấy 1 USD vào cuối tháng 10/2022 do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào năm ngoái, là mức cao nhất trong 13 năm 6 tháng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.

Sau đó với các biện pháp điều chỉnh của Chính phủ Hàn Quốc, tỷ giá hối đoái dần tìm thấy sự ổn định và giảm xuống mức 1.200 won đổi lấy 1 USD trước những kỳ vọng về việc Mỹ sẽ giãn biên độ tăng lãi suất.

Cho dù lãi suất cơ bản đã tăng đáng kể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số việc làm của Mỹ được công bố gần đây không đạt kỳ vọng thị trường, mặc dù chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 1 tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự đoán thị trường là 6,2% và tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng đứng ở mức 3,4%, mức thấp nhất trong 54 năm.

Đồng USD mạnh lên trong bối cảnh Fed dự báo có thể tiếp tục tăng lãi suất. Thậm chí, một số người đang đưa kịch bản rằng Mỹ sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng kinh tế mà không bị suy thoái. Hiện tại, lãi suất chuẩn ở Mỹ nằm trong khoảng từ 4,75% đến 5,40% và dự kiến Mỹ sẽ sớm có một lần tăng lãi suất nữa với mức tăng 0,5 điểm phần trăm.

Theo đó, dư luận đang quan tâm đến định hướng lãi suất cơ bản của Ủy ban Chính sách tiền tệ mà BoK sẽ đưa ra ngày 23/2 tới. Trước đó, quan điểm phổ biến là BoK sẽ “đóng băng” lãi suất cơ bản, nhưng với những diễn biến hiện tại, cán cân đang nghiêng về hướng Hàn Quốc có thể tăng lãi suất căn cứ theo tình hình thực tế của thị trường.

Thống đốc BoK Lee Chang-yong trong phiên họp của Ủy ban Kế hoạch và Tài chính Quốc hội ngày 21/2 cho rằng các yếu tố bất ổn liên quan đến lạm phát đã gia tăng trong hai tháng qua và chính sách tiền tệ cần được điều hành dựa trên các yếu tố này.

Bộ Tài chính trong báo cáo “Xu hướng kinh tế gần đây” (Sách Xanh) tháng Hai nhận định kinh tế Hàn Quốc tiếp tục duy trì mức lạm phát cao, trong khi tốc độ phục hồi của nhu cầu trong nước đang chậm lại và đi xuống. Xuất khẩu trì trệ trong khi tâm lý kinh doanh tiếp tục đà chậm lại.

Tháng 12 năm ngoái, sản xuất toàn ngành công nghiệp của Hàn Quốc giảm 1,6% so với tháng trước. Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế trong quý IV rơi xuống -0,4% so với quý trước. Đây là lần đầu tiên trong 10 quý, tốc độ tăng trưởng hàng quý của Hàn Quốc ở mức âm, tính từ quý II/2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Trưởng phòng phân tích kinh tế Lee Seung-han thuộc Bộ Chiến lược và Tài chính cho biết GDP của Hàn Quốc đã tăng trưởng âm trong quý IV, và chỉ báo xu hướng hoạt động công nghiệp cũng giảm. Tiếp đó, xuất khẩu đã giảm tới hai con số trong năm nay đã tạo ra nhiều lo ngại.

Trong khi đó Joo Won, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Hyundai cho rằng với việc BoK luôn chú trọng mục tiêu kiềm chế lạm phát nên khả năng ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất là rất cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục