Hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia đang trên bờ vực phá sản?

05:30' - 13/07/2021
BNEWS Đại dịch COVID-19 đã “thổi bay” doanh thu của hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia, giao dịch cổ phiếu của hãng gần đây bị tạm dừng sau vụ vỡ nợ trái phiếu.

Trang Diễn đàn Đông Á mới đây đăng bài viết với nhận định, Giám đốc điều hành Irfan Setiaputra tuyên bố tổng số nợ của hãng hàng không này là 70.000 tỷ rupiah (tương đương 4,9 tỷ USD). Bộ Doanh nghiệp Nhà nước đã nhóm họp và đưa ra một số đề xuất như bơm vốn nhà nước, tư nhân hóa hoặc làm thủ tục phá sản trong khi hãng tái cơ cấu một số khoản nợ.
Theo báo cáo tài chính mới nhất, công bố vào tháng 9/2020, tổng nợ phải trả của Garuda đã tăng lên 10,36 tỷ USD, trong khi giá trị tài sản của hãng là 9,9 tỷ USD.
Với các khoản nợ phải trả vượt quy mô tài sản, nguy cơ mất khả năng thanh toán tài chính là một mối lo ngại thực sự. Hoạt động kinh doanh của Garuda đã bị “đóng băng” do các hạn chế đi lại nhằm hạn chế đà lây lan của dịch COVID-19. Theo thống kê của hãng, lượng khách quốc tế đã giảm từ 193.380 lượt vào tháng 2/2020 xuống chỉ 8.967 lượt vào tháng 2/2021.
Không có hãng hàng không nào trên thế giới có đủ thanh khoản để đối phó với tình trạng giảm gần 100% lưu lượng hành khách quốc tế. Ngay cả Singapore Airlines, một trong những hãng hàng không hoạt động tốt trong khu vực, cũng cần sự trợ giúp từ cổ đông lớn Temasek và gần đây đã phải huy động tài chính thông qua việc bán và cho thuê lại một số máy bay của hãng.
Các nhà phân tích đã chỉ trích khoản nợ 70.000 tỷ rupiah như bằng chứng về sự quản lý yếu kém của doanh nghiệp và cáo buộc các doanh nghiệp nhà nước vay tiền một cách vô trách nhiệm. Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng trong trường hợp này. 

Các khoản nợ của Garuda bao gồm trái phiếu Sukuk trị giá 500 triệu USD (một công cụ tài chính Hồi giáo tương tự như trái phiếu), 922,6 triệu USD nợ ngân hàng và ngày càng có nhiều khoản phải trả liên quan đến hoạt động lên tới 1,4 tỷ USD vào năm 2020.
Nhưng những rắc rối trong bảng cân đối kế toán của hãng chủ yếu là kết quả của sự bùng nổ nợ không bền vững. Phần lớn các khoản nợ phải trả mới của Garuda đến từ nghĩa vụ thuê tài chính.
Garuda, giống như nhiều hãng hàng không, không sở hữu phần lớn đội bay. Thay vào đó, hãng thuê phần lớn máy bay từ các bên thứ ba. Trước năm 2020, theo các quy tắc kế toán được hãng áp dụng, Garuda chỉ phải ghi nhận các khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu làm chi phí hoạt động khi chúng phát sinh. Toàn bộ giá trị của các hợp đồng thuê còn lại không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán như một khoản nợ phải trả.
Theo quy định kế toán mới được áp dụng vào năm 2020, giá trị đầy đủ của các khoản thuê chưa thanh toán xuất hiện trên bảng cân đối kế toán. Và trong điều kiện kinh doanh bình thường, với dòng tiền lành mạnh, điều này có lẽ sẽ không thành vấn đề. Ví dụ như trong năm 2019, Garuda ghi nhận doanh thu hơn 600 triệu USD từ các hoạt động của hãng.
Nhưng với dòng tiền căng thẳng như hiện nay, vấn đề nợ đã phát sinh. Trong tương lai, Ban lãnh đạo của Garuda có thể phải sử dụng mối đe dọa phá sản làm đòn bẩy khi họ tham gia các cuộc đàm phán tái cơ cấu với bên cho thuê. Đây là chiến thuật mà Tập đoàn hàng không Malaysia, công ty mẹ của Malaysia Airlines đã sử dụng hiệu quả vào đầu năm 2021.

Sau khi đe dọa tuyên bố phá sản, một tòa án Anh đã thông qua thỏa thuận tái cơ cấu gần 4 tỷ USD nợ các bên cho thuê máy bay. Sau khi thỏa thuận được thực hiện, quỹ tài sản quốc gia Khazanah Nasional Berhad, cổ đông duy nhất của tập đoàn đã bơm 890 triệu USD để củng cố bảng cân đối kế toán của hãng hàng không.
Về phía Nhà nước, Malaysia sẽ không sẵn sàng từ bỏ hãng hàng không quốc gia bằng cách tư nhân hóa hoặc thanh lý tài sản trong tình trạng phá sản. Đây là một chức năng của chủ nghĩa dân tộc kinh tế cũng như mong muốn duy trì mức độ kiểm soát trực tiếp đối với một thị trường trọng điểm.
Trong khi cổ phiếu của Garuda được giao dịch công khai, 86% cổ phần của công ty thuộc sở hữu của Nhà nước hoặc Chủ tịch Tanjung, một trong những người giàu có nhất ở Indonesia. Điều này giúp hãng tránh bị ảnh hưởng của sự biến động mạnh trên thị trường.

Ngay cả khi Garuda đang thua lỗ, hãng vẫn có thời gian để đàm phán và cân nhắc các lựa chọn mà không lo lắng quá nhiều về áp lực của cổ đông. Điều này rất quan trọng vì lợi ích của các cổ đông có thể không phải lúc nào cũng đồng bộ với lợi ích kinh tế hoặc chính trị của nhà nước.
Có thể cho rằng một tài sản chiến lược như hãng hàng không quốc gia sẽ không dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực thị trường. Nhà nước có thể đảm bảo hãng hàng không tiếp tục hoạt động cho đến khi nhu cầu phục hồi, sử dụng mối đe dọa phá sản để đưa ra các điều kiện “khoan hồng” hơn từ các chủ nợ của hãng. Đó có thể là cách mà các doanh nghiệp nhà nước Indonesia, bao gồm Garuda, quản lý nợ và vượt qua khó khăn tài chính trong dài hạn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục