Giải pháp giúp Indonesia phục hồi kinh tế xanh và bền vững

06:30' - 08/07/2021
BNEWS Tăng trưởng kinh tế Indonesia dự kiến sẽ phục hồi lên 4,5% trong năm 2021. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phục hồi, nước này cần theo đuổi một số giải pháp ưu tiên.

Theo báo Antara News, đại dịch COVID-19 đã tạo ra cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Các nhà chức trách Indonesia đã có các biện pháp phản ứng nhanh chóng như Chương trình phục hồi kinh tế quốc gia (PEN), đình chỉ mức trần thâm hụt ngân sách 3% và kế hoạch chia sẻ gánh nặng giữa chính phủ và Ngân hàng Trung ương Indonesia.

Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ phục hồi lên 4,5% trong năm 2021. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phục hồi, Indonesia cần theo đuổi một số giải pháp ưu tiên.

Thứ nhất, cải thiện và bảo đảm sức khỏe của người dân. Các chính sách trợ giúp xã hội và y tế thông minh là cần thiết để xây dựng lòng tin của người dân. Với nỗ lực mạnh mẽ của Bộ Y tế, những biện pháp kiểm soát đại dịch đang "đơm hoa kết trái", Indonesia có thêm giường bệnh và việc tiêm chủng đang tiến triển tốt.

Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là đầu tư nhiều hơn vào các năng lực y tế cốt lõi, đảm bảo tiếp tục có đủ nguồn cung cấp y tế, thuốc men và vaccine ngừa COVID-19.

Nhân viên y tế cần được đào tạo về các trường hợp khẩn cấp và Indonesia cần củng cố hệ thống y tế địa phương. Để bảo vệ những người dễ bị tổn thương, một hệ thống bảo trợ xã hội kỹ thuật số tích hợp và linh hoạt cũng là biện pháp cần thiết.

Indonesia cũng nên triển khai các chương trình nhằm mục tiêu khuyến khích hành động có trách nhiệm và tuân thủ các quy định phòng dịch. Các chương trình trợ giúp xã hội cần đặc biệt chú ý đến phụ nữ và các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Thứ hai, tăng cường tạo thêm việc làm mới đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khi các biên giới mở cửa trở lại, Ủy ban ứng phó với các vấn đề COVID-19 và Phục hồi kinh tế quốc gia có thể đi đầu trong bốn vấn đề. Đó là đảm bảo các quy trình nghiêm ngặt để phòng dịch và đảm bảo an toàn tại nơi làm việc; thúc đẩy sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong ứng phó với COVID-19; mở rộng chế độ nghỉ ốm và đào tạo lại những người lao động.

Số hóa có thể giúp đất nước mở cửa trở lại một cách an toàn như cách mà thương mại điện tử đang giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSME) tiếp cận khách hàng một cách an toàn. Ngoài ra, Indonesia có thể theo dõi và phân tích các trường hợp khẩn cấp bằng cách sử dụng dữ liệu thời gian thực từ giao thông, mua sắm và nơi làm việc.

Để đẩy nhanh việc mở cửa trở lại, chính phủ có thể khuyến khích doanh nghiệp bảo vệ việc làm hiện có và tạo việc làm mới. Sự hỗ trợ nên tập trung vào các MSME, đóng góp 71% GDP của nền kinh tế và 97% việc làm. Bên cạnh đó, các khoản đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng và hậu cần sẽ đảm bảo sự thông suốt của hàng hóa và dịch vụ.

Thứ ba, cải thiện môi trường kinh doanh và nguồn lực con người. Những cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nguồn nhân lực là hết sức cần thiết. Luật Omnibus về Tạo việc làm 2020 đã hợp lý hóa các quy định hiện hành, giúp Cơ quan Đầu tư Indonesia giải quyết các nút thắt đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài và tạo thêm việc làm.

Chính phủ với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đang nỗ lực để đơn giản hóa việc cấp phép kinh doanh và thu hồi đất để kích thích đầu tư, và giảm bớt các rào cản thương mại.

Điều này nhằm mục đích nâng cao và hiện đại hóa hoạt động của MSME và các doanh nghiệp khác. Chính phủ Indonesia cũng có kế hoạch cải cách các doanh nghiệp nhà nước để nâng cao hơn nữa tính minh bạch trong kinh doanh, tăng cường hiệu quả và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bên cạnh đó, Indonesia cần đầu tư đáng kể vào nguồn lực con người để tạo ra một lực lượng lao động hiệu quả trong tương lai. Các trường học nên cải thiện khả năng tiếp cận với các thiết bị thông minh.

Chính phủ nên thúc đẩy chất lượng giảng dạy thông qua việc nâng cao năng lực đào tạo giáo viên. Nơi làm việc nên mở rộng khả năng học tập từ xa, tăng cường giáo dục và đào tạo kỹ thuật và dạy nghề, đồng thời nâng cao chất lượng việc làm thông qua hợp tác tốt hơn giữa các doanh nghiệp tư nhân và các công ty công nghệ.

Thứ tư, cải cách hệ thống thu thuế. Cho đến khi nền kinh tế phục hồi ổn định, Chính phủ Indonesia sẽ cần duy trì các biện pháp kích thích tài chính và chi tiêu cho các chương trình ưu tiên, chẳng hạn như vaccine, vật tư y tế và trợ giúp xã hội. Nguồn thu mới phải được huy động để đưa thâm hụt ngân sách trở lại 3% GDP vào năm 2023.

Trong nước, công nghệ kỹ thuật số hiện đại hóa quản lý thuế sẽ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động thu thuế, trong khi thuế tài sản và thuế kỹ thuật số có thể mở rộng các cơ sở đánh thuế. Việc đánh thuế lũy tiến có thể giảm bớt bất bình đẳng thu nhập và thuế carbon và các loại thuế tương tự sẽ thúc đẩy sự phục hồi xanh.

Thuế giao dịch điện tử đối với thương mại điện tử là một bước tiến đáng khích lệ. Trên bình diện quốc tế, Indonesia nên hợp tác dựa trên các sáng kiến toàn cầu nhằm tăng cường hợp tác thuế, thu hẹp các lỗ hổng về thuế và giảm trốn thuế.

Ví dụ như Trung tâm thuế châu Á-Thái Bình Dương của ADB được thành lập để thúc đẩy các giải pháp đa phương, dựa trên sự đồng thuận, nhằm hỗ trợ huy động nguồn thu quốc gia và hợp tác thuế quốc tế.

Thứ năm, chuyển đổi sản xuất để phục hồi kinh tế xanh. Các sáng kiến phục hồi phải bền vững và không gây ô nhiễm môi trường. Chính phủ Indonesia đang thúc đẩy các sáng kiến về định giá thị trường carbon, hạn chế sử dụng năng lượng gây ô nhiễm, chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn và tạo ra các nguồn tài chính mới.

ADB hỗ trợ Indonesia trong ba lĩnh vực chính: Thúc đẩy đầu tư tư nhân vào năng lượng sạch và hiệu quả; hỗ trợ tài chính cơ sở hạ tầng để đạt được các mục tiêu phát triển xã hội thông qua các dự án xanh; và hợp tác với chính phủ để giải quyết các vấn đề liên quan đến ô nhiễm đại dương. Với lãi suất thấp, nguồn tài chính xanh ngày càng có sẵn, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo trở nên khả thi hơn bao giờ hết.

Indonesia có thành tích tốt trong cải cách nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực và đạt được thành công về phục hồi kinh tế. Với các biện pháp đúng đắn và nỗ lực phối hợp, đây chính là cơ hội thực sự để quốc gia này vươn lên mạnh mẽ hơn từ cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục