Hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia tìm cách giãn nợ

07:40' - 07/06/2021
BNEWS Một quan chức thuộc Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia (BUMN) cho biết hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia đang tìm cách hoãn thanh toán nợ trong một nỗ lực nhằm tránh bị phá sản.

Phát biểu tại phiên điều trần trước Hạ viện Indonesia, Thứ trưởng BUMN, ông Kartika Wirjoatmodjo cho hay Garuda Indonesia và chính phủ đã chỉ định các nhà tư vấn pháp lý và tài chính để bắt đầu quá trình này và “bắt buộc phải thực hiện ngay lập tức việc hoãn trả nợ trong tương lai gần”.

Ông Wirjoatmodjo nói thêm rằng nếu không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ, hãng hàng không do nhà nước nắm cổ phần chi phối này có thể bị phá sản.

Theo ông Wirjoatmodjo, khoản nợ 4,5 tỷ USD đã khiến Garuda gần như mất khả năng thanh toán và với việc hãng hàng không này thua lỗ tới 100 triệu USD mỗi tháng, cần phải tái cơ cấu cơ bản.

Ông Wirjoatmodjo nói: “Chúng tôi đang trao đổi tích cực với Ban lãnh đạo Garuda, trong đó có các cổ đông thiểu số và Bộ Tài chính, về quá trình tái cơ cấu của hãng hàng không này trong tương lai để có thể giảm khoản nợ xuống khoảng 1-1,5 tỷ USD.

Tháng 6/2020, Garuda đã kéo dài thời gian đáo hạn trái phiếu Hồi giáo với tổng trị giá 500 triệu USD thêm ba năm do đối mặt với khả năng bị vỡ nợ.

Theo FactSet, hãng hàng không này có các khoản nợ dài hạn và ngắn hạn trị giá 298 triệu USD đáo hạn vào năm ngoái, trong khi chỉ nắm 169,9 triệu USD tiền mặt tính đến tháng 9/2020.

Các lệnh hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19 đã gây gánh nặng tài chính cho Garuda cũng như các hãng hàng không trong khu vực.

Garuda đã bị lỗ ròng lên tới 1 tỷ USD trong ba quý đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong khi cùng kỳ năm 2019 ghi nhận mức lãi 122 triệu USD.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Wirjoatmodjo tiết lộ rằng các vấn đề của Garuda nghiêm trọng hơn nhiều không chỉ do dịch COVID-19.

Theo đó, vấn đề chính của Garuda trong quá khứ là chi phí thuê máy bay vượt quá chi phí hợp lý.

Ông Wirjoatmodjo nhấn mạnh: "Garuda sở hữu quá nhiều loại máy bay, vì vậy hiệu quả thực sự là một vấn đề và nhiều tuyến bay đã không mang lại lợi nhuận."

Tuần trước, Garuda cho biết đang tìm cách cắt giảm một nửa đội bay gồm 142 chiếc của mình và cho về hưu sớm đối với hàng loạt nhân viên tới cấp Phó chủ tịch trong một nỗ lực nhằm giảm lỗ và nợ nần chồng chất.

Kế hoạch này được đưa ra bất chấp gói giải cứu hồi năm 2020 của Chính phủ Indonesia khi Bộ Tài chính nhất trí mua 8.500 tỷ rupiah (593 triệu USD) trái phiếu chuyển đổi do hãng phát hành nhằm bơm tiền mặt cho công ty.

Tuy nhiên, ông Wirjoatmodjo cho hay chỉ 1.000 tỷ rupiah đã được giải ngân và phần còn lại sẽ bị hủy bỏ do Garuda không đáp ứng một số chỉ số hoạt động chính vốn được chính phủ đưa ra làm điều kiện cho gói giải cứu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục