Hàng nghìn hộ dân Đà Nẵng đang chờ nước

20:14' - 21/08/2019
BNEWS Những năm gần đây, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng thường xuyên xảy ra ở thành phố Đà Nẵng vào mùa khô.

Nhà máy nước Cầu Đỏ liên tục bị nhiễm mặn, các hồ chứa nước cạn kiệt, dẫn đến thiếu nước tại các khu vực cuối đường ống, lại là khu vực phát triển mạnh về du lịch, dịch vụ ven biển.

Từ chiều 19/8 đến nay, việc thiếu nước trở nên nghiêm trọng hơn, khiến chính quyền các cấp của thành phố phải triển khai nhiều biện pháp khẩn trương “giải khát” cho hàng nghìn hộ dân trong thành phố.

Trắng đêm chờ nước

Ngày 19/8, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã phát đi thông báo về nguy cơ thiếu nước trên diện rộng, do sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng với độ mặn cao nhất lên đến 2.858mg/l. Tình hình thiếu nước sinh hoạt ở thành phố tiếp tục kéo dài trong những ngày sau đó, vì mực nước các sông đã hạ xuống mức rất thấp.

Ở hầu hết các quận huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, áp lực nước suy giảm rõ rệt, do thiếu nước từ 40.000-50.000m3/ngày đêm. Riêng tại hai quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà, nhiều khu vực bị mất nước hoàn toàn.

 Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Tài ở đường Đinh Thị Hòa (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) phải dùng toàn bộ dụng cụ đựng nước của gia đình như xô, chậu, nồi để hứng nước vào ban đêm nhưng vẫn thiếu. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, nhiều hộ gia đình phải thức trắng đêm hứng nước. Cô Nguyễn Thị Tài ở đường Đinh Thị Hòa cho biết, 2 ngày nay, gia đình cô phải dùng toàn bộ dụng cụ đựng nước như xô, chậu, nồi để chứa nước nhưng vẫn thiếu. Cô Tài cho biết ban ngày hoàn toàn không có nước, vòi chỉ chảy một chút nước vào ban đêm, nên cả nhà phải thay nhau thức chờ cho nước nhỏ giọt đầy chậu rồi thay chậu khác.

Còn chị Trần Thị Tuyến, ở tổ 188, phường An Hải Bắc thì từ lâu đã tự khoan giếng ngầm để gia đình sử dụng. “Khu vực này thường xuyên mất nước, nên gia đình phải tự đầu tư khoan giếng để chủ động trong sinh hoạt. Tuy có nước sử dụng nhưng gia đình cũng khá lo lắng vì không biết chất lượng của nước giếng khoan có đảm bảo không” - chị Tuyến chia sẻ.

Theo ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng, từ ngày 20/8, Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng đã đặt 19 bồn chứa nước và sử dụng xe bồn cấp nước bổ sung cho 19 khu vực dân cư ở cuối nguồn nước. Công ty cũng đã đề nghị Công an thành phố sử dụng xe chữa cháy chở nước đến cấp bổ sung cho bệnh viện Đà Nẵng và một số cơ quan quan trọng.

Về giải pháp khắc phục, ông Nam cho biết: “Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng đã vận hành tối đa trạm bơm phòng mặn An Trạch, nhưng trữ lượng nước bơm về mỗi ngày chỉ đạt 210.000 m3/ngày đêm, trong khi nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn thành phố là gần 310.000 m3/ngày đêm. Vì vậy, hiện giờ Công ty phải chờ nước ở Nhà máy nước Cầu Đỏ giảm mặn mới có thể khắc phục được tình trạng khan hiếm này”.

Khẩn cấp giảm mặn cho sông Cầu Đỏ

Sáng 21/8, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp khẩn để tìm biện pháp xử lý việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Tham gia cuộc họp có đại diện các sở, ban, ngành, Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương, Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Mi, Công ty Thủy điện Sông Bung.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, năm 2019, nguồn nước tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn 164 ngày, cường độ mặn gia tăng và số ngày nhiễm mặn kéo dài hơn so với năm 2018.

Thời gian nhiễm mặn sớm, bắt đầu từ tháng 2, số ngày nhiễm mặn trong tháng gia tăng, có tháng nguồn nước sông bị nhiễm mặn lên đến 30 ngày, độ mặn cao nhất 4.400 mg/l (lúc 9 giờ 30 ngày 2/7/2019). Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng thiếu nước đầu vào tại Nhà máy nước Cầu Đỏ và khiến cho thành phố bị thiếu nước nghiêm trọng.

Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chỉ đạo trong cuộc họp khẩn ngày 21/8 về khắc phục tình trạng thiếu nước. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đưa ra phương án khẩn cấp cần triển khai là: Hồ Thủy điện Đăk Mi 4 vận hành xả nước về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng 25 m3/s đến khi độ mặn tại cửa thu nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ giảm xuống dưới 1000 mg/l thì vận hành xả nước trở lại theo quy trình.

Bên cạnh đó, hồ thủy điện A Vương cũng vận hành xả nước với lưu lượng trung bình 70 m3/s liên tục trong 24 giờ để giảm độ mặn tại Nhà máy nước Cầu Đỏ. Trong cuộc họp, đại diện hai công ty thủy điện trên đã đồng ý với phương án này để cấp bách “giải khát” cho thành phố Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch Thường trực thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với chủ hồ thủy điện và Công ty cấp nước thống nhất quy trình vận hành. Trước mắt, thống nhất hồ Đăk Mi 4 xả lượng nước 25 m3/s, hồ A Vương xả lượng nước 70m3/s, tổng cộng là 95m3/s trong 24 giờ ngay sau cuộc họp, đảm bảo giảm mặn hiệu quả cho Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh: Các đơn vị phải thống nhất phương án xả nước để tiết kiệm nước tối đa, chọn lựa khi phạm vi xâm nhập mặn lớn nhất thì cho nước về để đẩy mặn hiệu quả. Sau khi xả nước 24 giờ, phải tính ra lưu lượng nước cần thiết để giảm mặn.

Về lâu dài, ông Dũng cho biết, sau ngày 31/8, nếu tình hình không được cải thiện phải có phương án bổ sung. Sở Xây Dựng cần căn cứ vào kịch bản đã được thành phố phê duyệt về độ mặn của nước, hàm lượng muối để đưa ra phương án xử lý thiếu nước, xây dựng thêm các công trình bổ trợ, tránh phụ thuộc một nguồn nước.

Nếu xả nước xong vẫn không chống mặn thành công phải có phương án 2 để tăng cường nước phục vụ người dân. 

Công ty cấp nước vẫn phải có phương án dự phòng, đưa nước tới các điểm “nóng” để phục vụ tối thiểu cho người dân. Bên cạnh đó, các đơn vị thông tin truyền thông cần công bố thông tin đầy đủ về tình hình thiếu nước cho người dân, tiếp tục vận động, kêu gọi sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả để cùng các cấp chính quyền vượt qua giai đoạn khó khăn./.

>> Nước sạch được cấp trở lại cho nhiều quận, huyện phía Tây Thủ đô sau sự cố

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục