Hành lang pháp lý để vận hành chính quyền địa phương 2 cấp không bị vướng

15:02' - 05/05/2025
BNEWS Các nội dung của Luật, Nghị định, Thông tư trong lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải cần phải đầy đủ để chính quyền địa phương 2 cấp bắt tay ngay vào hoạt động ổn định, không gặp vướng mắc.

Hiện Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) đang khẩn trương triển khai xây dựng các Nghị định, Thông tư theo yêu cầu được phân công tại Quyết định số 758/QĐ-TTg  Ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và Kế hoạch số 40-KH/BCĐ của Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo đó, Bộ Xây dựng được giao chủ trì soạn thảo Nghị định quy định về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, kiến trúc, đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng, bất động sản, giao thông vận tải… khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

 

Đồng thời, ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật quy định về phân định nhiệm vụ, quyền hạn, thủ tục hành chính… gắn với phân cấp, phân quyền tối đa cho chính quyền địa phương trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng, bất động sản, giao thông vận tải… khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Vụ Pháp chế cho biết, rà soát và dự kiến dự thảo Nghị định chung sẽ xử lý, phân định nhiệm vụ của chính quyền địa phương cấp huyện tại khoảng 30 văn bản; dự kiến dự thảo Thông tư chung sẽ xử lý đối với 14 thông tư.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh khẳng định, việc triển khai nhiệm vụ rà soát, xây dựng pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước là vấn đề hết sức quan trọng đặc biệt khi chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động.

Các nội dung của Luật, Nghị định, Thông tư cần phải đầy đủ để chính quyền địa phương bắt tay ngay vào hoạt động ổn định, không gặp khó khăn, vướng mắc. Do đó, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị liên quan cần cố gắng tập trung triển khai làm tốt nhiệm vụ này – Bộ  trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh.

Cục Phát triển đô thị tập trung sửa đổi các quy định pháp luật trong lĩnh vực phát triển đô thị phải lựa chọn được phương án tối ưu, theo tiêu chí của quy định cũ hoặc đưa ra mô hình mới sao cho không ảnh hưởng nhiều đến luật liên quan, phù hợp với các địa phương sau khi sáp nhập với 2 cấp chính quyền, tạo được không gian phát triển.

Các đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này phải bám sát theo tinh thần như Quốc hội đang chỉ đạo, một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa cho nhiều nghị định, một thông tư sửa cho nhiều thông tư. Nội dung cần sửa đổi, bổ sung của từng lĩnh vực xây dựng và giao thông vận tải sẽ được tổng hợp lại một cách khoa học để dễ tra cứu, theo dõi.

Khi chính quyền địa phương chính thức đi vào hoạt động thì đảm bảo tất cả các nội dung của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung được thông qua và vận hành phù hợp với tình hình mới.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Thị Hải Yến, hiện có 63 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến đơn vị hành chính, chính quyền địa phương cấp huyện gồm 7 Luật, 1 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 31 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và  23 Thông tư.

Vụ Pháp chế đang khẩn trương triển khai xây dựng 1 nghị định và 1 thông tư để quy định chung về phân định nhiệm vụ, quyền hạn, thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Đáng chú ý, một số nội dung như: liên quan đến đối tượng, cấp độ lập quy hoạch đô thị và nông thôn; đánh giá, phân loại đô thị; chương trình phát triển đô thị, phát triển nhà ở; xác định khu vực phân lô bán nền, khu vực dành quỹ đất để phát triển nhà ở; đối tượng được thuê nhà ở công vụ… có ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai các chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng. Do đó, cần phải có phương án xử lý để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.

Đối với các văn bản quy phạm pháp luật khác, nếu cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới do liên quan đến việc kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp thì các đơn vị chủ động rà soát, tham mưu Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ phụ trách có văn bản báo cáo Chính phủ để định hướng, cho ý kiến về phương án xử lý.

Đồng thời, chủ động tiến hành việc soạn thảo, tham mưu Bộ ban hành văn bản theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đảm bảo việc triển khai nhiệm vụ của địa phương thông suốt, không ách tắc khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp – bà Yến thông tin.

Đối với lĩnh vực phát triển đô thị, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Quốc Thái cho biết đã đề xuất Vụ Pháp chế rà soát 1 Luật, 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 1 Nghị định, 3 Thông tư. Cục Phát triển đô thị đang triển khai thực hiện theo hướng trường hợp được phép sửa đổi Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị thì sẽ sửa đổi đồng bộ nội dung, thẩm quyền liên quan lĩnh vực phát triển đô thị trong Nghị định, Thông tư ban hành riêng và không quy định trong các văn bản chung của Bộ chỉ liên quan điều chỉnh thẩm quyền.

Cùng đó, Cục trưởng Trần Quốc Thái đề xuất không sửa đổi Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn về các loại đô thị tại thời điểm này; giữ ổn định 6 loại đô thị đã được Luật định để đảm bảo tính kế thừa, ổn định pháp lý, cho đến khi có điều kiện sửa đổi, bổ sung đồng bộ pháp luật về quản lý phát triển đô thị.

Đồng thời, ông Thái đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị theo hướng phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tính khoa học và cơ sở pháp lý, bảo đảm tính kế thừa liên tục của các loại đô thị từ loại III trở lên; điều chỉnh quy định đối với tiêu chí đô thị loại IV và V cho phù hợp hơn và áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Nghị quyết. Thời điểm có hiệu lực đồng bộ với chính quyền cấp xã mới...

Như vậy, chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Xây dựng năm 2025 có khối lượng công việc lớn. Việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi liên quan đến sắp xếp chính quyền 2 cấp là nội dung có phạm vi tác động lớn.

Dự kiến, dự thảo Nghị định chung xử lý, phân định nhiệm vụ của chính quyền địa phương cấp huyện tại khoảng 30 văn bản và dự thảo Thông tư chung xử lý đối với 14 thông tư cần hoàn thành trước 30/6 theo trình tự rút gọn để đảm bảo ngày 1/7/2025 khi việc sắp xếp chính quyền hoàn thành sẽ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục