Hành lang pháp lý mới nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA

10:40' - 12/07/2021
BNEWS Dự thảo Nghị định thay thế có nhiều quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đổi mới quản lý, đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phân cấp; bổ sung những văn bản pháp lý mới ban hành…
Nhằm khắc phục những bất cập sau hơn 1 năm triển khai Nghị định 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, tại Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (Nghị định 56).
Hiện nay, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 56 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố lấy ý kiến. Dự thảo Nghị định thay thế có nhiều quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đổi mới quản lý, đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phân cấp; bổ sung những văn bản pháp lý mới ban hành…
Nghị định mới dự kiến gồm 10 Chương, 100 Điều và 10 Phụ lục; trong đó, Nghị định sẽ bổ sung các văn bản pháp lý liên quan ban hành trong thời gian gần đây (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường) và những văn bản pháp luật liên quan đến các dự án cho doanh nghiệp vay lại 100% vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp).
Bên cạnh việc bổ sung, điều chỉnh một số quy định liên quan tới quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi; văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại… Nghị định mới còn bổ sung chương riêng về doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Theo đó, doanh nghiệp nhà nước vay lại 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để đầu tư, bao gồm cả đầu tư đối tác công - tư (PPP) vào các chương trình, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên theo quy định, phù hợp với ngành, nghề kinh doanh trong quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định việc sử dụng vốn dư (chỉ được sử dụng sau khi đã bố trí đủ vốn để hoàn thành các mục tiêu của dự án) và việc áp dụng quy trình rút gọn (không phải điều chỉnh chủ trương đầu tư) trong trường hợp sử dụng vốn dư để phát huy hiệu quả và không dẫn đến thay đổi mục tiêu chính của quyết định chủ trương đầu tư của chương trình, dự án…
6 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài giải ngân đạt 7,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 (10,48%). Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài chậm đã ảnh hưởng tới việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như nhiệm vụ tài chính, ngân sách năm 2021.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn nước ngoài là vướng mắc về thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, hiệp định… Việc chậm trễ trong đấu thầu, ký hợp đồng, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu do khác biệt giữa hợp đồng FIDIC và quy định trong nước tiếp tục là vấn đề nổi cộm của nhiều dự án.
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn tồn tại bất cập, dẫn tới tính sẵn sàng của dự án thấp. Một số dự án không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài. Nhiều dự án gặp vướng mắc về thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn; vẫn còn tình trạng hồ sơ rút vốn sai, thiếu thủ tục, thời gian xử lý hồ sơ kéo dài…
Ngoài ra, việc hoàn thành quy trình, thủ tục từ bước đề xuất dự án đến khi ký hiệp định mất nhiều thời gian. Tại mỗi bước, phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và chính sách của nhà tài trợ. Thông thường, để có thể thực hiện một dự án phải mất từ 2 - 3 năm để hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Cùng với đó, quy trình thủ tục giải ngân vốn nước ngoài phức tạp, phụ thuộc vào quy định của nhà tài trợ… Bên cạnh đó, các dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục