Hành trình khó khăn giải quyết vấn đề người di cư

16:16' - 12/12/2018
BNEWS Hy vọng về một hành trình để các nước cùng nhau giải quyết vấn đề người di cư - một trong những thách thức toàn cầu hiện nay - cũng trở nên mong manh.

Việc Brazil ngày 11/12 tuyên bố nước này sẽ rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và định kỳ ngay sau khi Tổng thống đắc cử Jair Bolsonaro chính thức nhậm chức từ đầu năm tới, đã đặt thỏa thuận vừa được thông qua trước đó 1 ngày vào tình thế khó khăn.

Hy vọng về một hành trình để các nước cùng nhau giải quyết vấn đề người di cư - một trong những thách thức toàn cầu hiện nay - cũng trở nên mong manh.

Được coi là văn kiện quốc tế đầu tiên về quản lý người di cư, Hiệp ước toàn cầu về di cư đặt ra 23 mục tiêu đảm bảo di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn trong bối cảnh số người di cư trên toàn thế giới đã tăng lên mức 250 triệu người, tương đương 3% dân số toàn thế giới.

Riêng làn sóng người di cư đổ tới châu Âu với quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, trong đó đa số trốn chạy khỏi các cuộc xung đột và nạn nghèo đói ở các nước Trung Đông và châu Phi, đã gây ra cuộc khủng hoảng trầm trọng di cư ở "lục địa già" kể từ năm 2015.

Đến nay, lượng người di cư qua đường biển vào châu Âu đã giảm rõ rệt, nhưng "dư chấn chính trị" do làn sóng này gây ra vẫn còn rất nặng nề tại Liên minh châu Âu (EU).

Người di cư trong hành trình vượt eo biển Manche từ Pháp tới Anh ở ngoài khơi bờ biển Calais, Pháp ngày 4/8/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong khi đó, trong vài tháng nay, tại biên giới Mexico-Mỹ, hàng nghìn người di cư từ Trung Mỹ cũng đang chờ để tìm cơ hội xin tị nạn tại Mỹ, buộc nước này phải triển khai binh sĩ tới biên giới và tiến hành trấn áp mạnh tay, gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng Bắc Mỹ.

Về phía người di cư, hành trình tìm tới "miền đất hứa" luôn tiềm ẩn những nguy cơ và rủi ro. Chỉ tính riêng từ đầu năm tới nay, hơn 1.800 người di cư đã bỏ mạng trên con đường vượt biển đầy trắc trở qua Địa Trung Hải tới châu Âu. Họ trở thành nạn nhân của những đường dây buôn người, bị đánh đập, hành hạ, lạm dụng...

Nguy hiểm khủng hoảng nhân đạo và tương lai bấp bênh cũng rình rập dòng người di cư Trung Mỹ vượt qua thời tiết khắc nghiệt, đói khát và kiệt sức, đi hàng nghìn km tới biên giới Mexico với mong muốn chạm tay tới "giấc mơ Mỹ".

Người di cư Trung Mỹ tại khu vực ngoại ô Mexico City, Mexico, trong hành trình tới Mỹ ngày 10/11/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Vấn đề di cư đã trở thành chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu năm 2018 và việc thông qua Hiệp ước toàn cầu về di cư cũng được Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres coi là một trong những ưu tiên hành động trong năm.

Dù không mang tính ràng buộc về pháp lý, song thỏa thuận được khởi xướng vào tháng 9/2016 và được toàn bộ 193 nước thành viên LHQ, trừ Mỹ, nhất trí hồi tháng 7 vừa qua được kỳ vọng sẽ tạo một khuôn khổ và lộ trình để thúc đẩy các nỗ lực phối hợp chung và toàn diện ở cấp quốc tế khi mà việc xử lý vấn đề người di cư ở từng nước, song phương hay thậm chí ở cấp châu lục như EU, chưa đem lại hiệu quả.

Hiệp ước được đánh giá là giải quyết những mối lo chung của các nước tham gia với các điều khoản cụ thể về chủ quyền, đồng thời đề ra một loạt các nguyên tắc từ nhân quyền, quyền của trẻ em tới chủ quyền quốc gia, cùng danh sách các đề xuất nhằm hỗ trợ các nước đối phó với làn sóng di cư như trao đổi thông tin và kinh tế, bảo vệ và giúp người di cư hòa nhập với môi trường sống mới hay đưa người di cư quay trở lại quê nhà.

Hiệp ước có tính tự nguyện, nhưng việc thông qua khuôn khổ hợp tác như vậy có ý nghĩa quan trọng bởi nó tạo ra các quy định có thể dẫn đến việc hình thành các hiệp định song phương hoặc đa phương khác, cũng như thiết lập cơ chế để có thể hành động một cách nhân đạo, hợp lý và các bên cùng có lợi trong vấn đề người di cư.

Tuy nhiên, để đạt được sự nhất trí của các nước thành viên LHQ, các cuộc đàm phán kéo dài suốt 18 tháng về hiệp ước này đã vấp phải nhiều trở ngại xung quanh các biện pháp xử lý làn sóng di cư bất hợp pháp.

Ngay từ năm ngoái, Mỹ đã rút khỏi việc soạn thảo hiệp ước này với lý do văn kiện bao gồm những điều khoản đi ngược lại với chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Sau khi đạt được sự nhất trí vào tháng 7, một làn sóng phản đối hiệp ước đã bùng lên tại nhiều quốc gia châu Âu.

Tám quốc gia thành viên EU gồm là Ba Lan, Hungary, Séc và Slovakia, cùng Croatia, Slovenia, Bulgaria và Áo, cũng các nước Thụy Sĩ, Australia, Chile... đã tuyên bố rút khỏi hiệp ước. Trong khi đó, nhiều cuộc tranh cãi cũng đang nổ ra ở một số quốc gia khác.

Ở Pháp, hiệp ước này trở thành đối tượng tấn công của các phong trào cực đoan, dân tộc chủ nghĩa và phi tự do. Một số thành viên của phong trào "Áo vàng" cáo buộc việc tham gia hiệp ước này là cách để Paris "từ bỏ" chủ quyền và đây cũng là một trong những yếu tố để kích động làn sóng biểu tình phản đối chính phủ và Tổng thống Emmanuel Macron những ngày qua. Tại Bỉ, chủ đề này đã kéo theo một cuộc khủng hoảng chính phủ trầm trọng.

Liên minh cầm quyền ở nước này bất đồng sâu sắc xung quanh hiệp ước, dẫn tới một loạt bộ trưởng thuộc đảng Liên minh Flemish mới (N-VA) từ chức, đẩy chính phủ của Thủ tướng Bỉ Charles Michel rơi vào thế thiểu số. Mâu thuẫn trong vấn đề này cũng là nguyên nhân khiến Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajčák từ chức.

Các quốc gia phản đối hiệp ước này đưa ra nhiều lý do, song nhìn chung các ý kiến cho rằng hiệp ước chưa đảm bảo quyền tự quyết của mỗi quốc gia cho phép ai ở lại trong lãnh thổ của nước mình, cũng như việc phân biệt giữa người di cư hợp pháp và bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, một số điều khoản của hiệp ước được xem là mơ hồ và không khả thi, chưa giải quyết được vấn đề liên quan tới di cư tự nguyện và bắt buộc... Việc Mỹ không tham gia hiệp ước cũng gây lo ngại.

Trên thực tế, giải quyết vấn đề di cư là chuyện khó bởi có quá nhiều những yếu tố phức tạp xoay quanh, giải quyết trên cấp độ quốc tế lại càng nan giải bởi nó liên quan tới rất nhiều bên, từ nước khởi đầu, nước trung chuyển tới quốc gia tiếp nhận người di cư.

Những bất đồng về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi bên khiến việc đưa một cách tiếp cận toàn diện trong vấn đề di cư cũng như tìm ra biện pháp phối hợp hiệu quả không phải là điều dễ dàng.

Bài học của EU, đưa ra nhiều thỏa thuận để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư, song tới nay hầu như không thể thực hiện bởi quan điểm quá chia rẽ giữa các thành viên, là một ví dụ.

Bởi vậy, việc khoảng 150 nước thành viên LHQ thông qua hiệp ước này tại hội nghị quốc tế đang diễn ra ở Maroc để vạch “lộ trình giúp giảm bớt nỗi khổ cho con người và ngăn chặn tình hình hỗn loạn”, như lời Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tuyên bố, cũng được xem là biểu tượng chiến thắng của chủ nghĩa đa phương, là đáp án đúng để các nước cùng nhau giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Tuy nhiên, những bất đồng xung quanh hiệp ước cũng đang tạo ra những trở ngại trong việc triển khai thỏa thuận này, tạo thêm nhiều thách thức đối với mục tiêu phối hợp nỗ lực toàn cầu giải quyết vấn đề di cư./.
>>>Mở ra cơ hội phát triển cho tất cả người di cư

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục