Thoả thuận Di cư Toàn cầu giúp ngăn chặn tình hình hỗn loạn

10:01' - 11/12/2018
BNEWS Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres hoan nghênh việc Thoả thuận Di cư Toàn cầu (GCM) vừa được 164 nước thông qua tại Marrakesh, Morocco.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng đây sẽ là “lộ trình giúp giảm bớt nỗi khổ cho con người và ngăn chặn tình hình hỗn loạn”.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres (thứ 2, trái) và Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về di cư quốc tế Louise Arbour (trái) tại Hội nghị LHQ về di cư quốc tế ở Marrakesh, (Maroc) ngày 10/12/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Phát biểu tại phiên họp liên chính phủ, ông Guterres nói rằng thoả thuận này giúp tạo ra cơ chế để có thể hành động một cách nhân đạo, hợp lý, và các bên cùng có lợi mà chỉ cần chú trọng hai vấn đề đơn giản.

“Một là, di cư là việc xảy ra với tất cả chúng ta và vì thế cần phải quản lý sao cho đảm bảo an toàn. Hai là, các chính sách liên quan di cư của các nước sẽ thành công hơn rất nhiều nếu có sự hợp tác quốc tế,” ông nhận định.

Ông Guterres cho rằng đã có rất nhiều sự hiểu nhầm xung quanh vấn đề di cư và nhấn mạnh rằng thoả thuận này không hề cho phép LHQ áp đặt các chính sách di cư lên các quốc gia thành viên và bản thân thoả thuận này cũng không phải một hiệp ước chính thức có tính ràng buộc.

Thỏa thuận này thực ra là khung giúp cho hợp tác quốc tế được suôn sẻ trong tiến trình đàm phán liên chính phủ về vấn đề di cư.

Thoả thuận này không phải để cho phép người di cư muốn đi đâu thì đi mà là khẳng định lại những quyền cơ bản con người họ được hưởng. Ông Guterres cũng chỉ ra một thực tế là các nước phát triển rất cần lực lượng lao động nhập cư trong nhiều ngành nghề và nhiều lĩnh vực.

Đề cập đến những nước không thông qua Thoả thuận Di cư Toàn cầu và không tham dự hội nghị, ông Guterres mong muốn những nước này sẽ sớm nhận ra những giá trị mà thoả thuận này có thể mang lại cho xã hội và quyết định sẽ tham gia. Hiện Mỹ là nước không thông qua thoả thuận và hơn 10 nước khác chưa ký hoặc vẫn chưa ra quyết định.

Theo số liệu của LHQ, khoảng 60.000 người đã chết trong quá trình tìm đường di cư kể từ năm 2000 đến nay. Bà Louise Arbour, Đại diện Đặc biệt của LHQ về vấn đề di cư, đã gọi việc thông qua thoả thuận này là “khoảnh khắc lịch sử, sự chiến thắng của của chủ nghĩa đa phương”.

Để thoả thuận này có thể được thông qua, các nước thành viên LHQ đã tích cực giải quyết các bất đồng và các vấn đề phức tạp xung quanh vấn đề di cư trong suốt 18 tháng qua.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng hoan nghênh thoả thuận đã được ký và bà cho rằng đa phương là các tiếp cận duy nhất có thể giải quyết vấn đề di cư theo hướng tích cực.

Mặc dù Đức là nước đã tiếp nhận hơn 1 triệu người di cư và người tị nạn từ các nước như Syria trong vài năm trở lại đây, bà Merkel cho rằng các quốc gia tham gia ký cần đối phó với vấn đề di cư trái phép và phải cam kết bảo vệ biên giới của mình một cách hiệu quả như Thoả thuận Di cư Toàn cầu đã đề ra.

>>>Người di cư Trung Mỹ được tạo điều kiện nhập cảnh hợp pháp vào Mexico

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục