Hành trình "thay da đổi thịt" của chuỗi siêu thị hàng đầu Việt Nam

15:13' - 04/02/2022
BNEWS Sau 2 năm về tay Tập đoàn Masan, hệ thống bán lẻ VinMart, Vinmart+ đã bắt đầu quá trình đổi thương hiệu sang WinMart, WinMart+.

Sau 2 năm chuyển từ Tập đoàn VinGroup về Tập đoàn Masan, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 nhưng chuỗi siêu thị VinMart và VinMart+ đã không ngừng "thay da đổi thịt". Đặc biệt, chuỗi siêu thị này cũng đang dần chuyển đổi sang thương hiệu mới mang tên WinMart và WinMart+.

Để thích ứng với đại dịch COVID-19, chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam đã không ngừng thay đổi mô hình hoạt động. Đáng chú ý, chuỗi siêu thị VinMart và VinMart+ đang triển khai rất hiệu quả mô hình đa tiện ích nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

*Từ VinMart đến WinMart

Sau 2 năm về tay Tập đoàn Masan, hệ thống bán lẻ VinMart, Vinmart+ đã bắt đầu quá trình đổi thương hiệu sang WinMart, WinMart+. Cùng với đó, tên công ty mẹ vận hành chuỗi siêu thị là VinCommerce cũng được đổi thành WinCommerce.

Ông Trương Công Thắng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần The CrownX (đơn vị hợp nhất VinCommerce và Masan Consumer) cho biết Masan sẽ đổi tên VinMart thành WinMart. Tương tự, VinMart+ sẽ được đổi thành WinMart+.

Nói về việc đổi tên chuỗi bán lẻ này, ông Trương Công Thắng giải thích: "Trong hợp đồng thỏa thuận, hết năm 2021, chúng tôi phải đổi tên khác. Năm 2020, Masan đã tích cực thay đổi nhiều vấn đề từ danh mục hàng hóa đến chất lượng dịch vụ, giá cả... Khi quá trình thay đổi về “chất” bên trong được hoàn tất thì sẽ dẫn đến sự thay đổi hình thức bên ngoài. Theo kế hoạch, quá trình này sẽ hoàn thiện trong năm 2021".

 

Đặc biệt, kết quả kinh doanh trong quý 3/2021 cũng là lần đầu tiên chuỗi siêu thị này báo lãi ròng sau thuế 137 tỷ đồng. Trước đó, WinCommerce bắt đầu đạt EBITDA (lợi nhuận sau thuế, khấu hao và lãi vay) dương từ quý 4/2020. Đà đi lên này được duy trì trong 4 quý liên tục. Trong quý 3/2021, EBITDA của WinCommerce đạt 5,5%, vượt xa con số âm 3% cùng kỳ 2020.

Doanh thu thuần của WinCommerce trong quý 3/2021 tăng 21,2% so với cùng kỳ 2020. Doanh số của chuỗi WinMart, WinMart+ tăng mạnh tương tự nhiều chuỗi bán lẻ hiện đại khác khi người tiêu dùng dịch chuyển địa điểm mua sắm từ chợ truyền thống sang siêu thị.

Lũy kế 9 tháng năm 2021 chuỗi WinMart+ đạt doanh thu thuần 16.168 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu thuần quý 3/2021 của WinMart+ tăng 23,4% so với cùng kỳ.

Trong đó, chuỗi WinMart đạt doanh thu thuần 7.330 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2021, giảm 12,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu thuần quý 3/2021 của chuỗi này tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Đến cuối tháng 9/2021, hệ thống bán lẻ thuộc WinCommerce có 2.456 điểm, tăng 103 siêu thị mini WinMart+ so với hồi đầu năm.

*Chuỗi bán lẻ đa tiện ích

Là doanh nghiệp Tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu cả nước, hoạt động kinh doanh của Masan không tránh khỏi ảnh hưởng chung toàn ngành. Sức mua trong nước giảm sút, lưu thông hàng hóa đình trệ, tình trạng lao động thiếu hụt... là một trong số muôn vàn khó khăn Masan gặp phải trong quá trình vận hành sản xuất và phân phối.

Tuy nhiên, với nỗ lực vượt khó trong đại dịch, “người khổng lồ” trong mảng tiêu dùng - bán lẻ - Masan từng bước xoay chuyển tình thế nhờ các giải pháp linh hoạt, đột phá trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, trong hoạt động sản xuất, để đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng, hơn 30 nhà máy của Masan trên cả nước đã vận hành thông suốt. Với nhiều giải pháp linh hoạt, kịp thời, những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra đã nhanh chóng được khắc phục, đảm bảo mục tiêu kép, vừa sản xuất, vừa đảm bảo an toàn.

Trong hoạt động bán lẻ, Masan tăng cường bán hàng đa kênh, mở rộng danh mục sản phẩm tươi sống, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng người dân trong dịch bệnh. Doanh nghiệp còn ứng dụng công nghệ châm hàng tự động, nâng tỉ lệ sẵn có của hàng hóa từ 80% lên 96%.

Đặc biệt, Masan cũng hợp tác với Lazada đẩy mạnh bán hàng trên kênh trực tuyến - bước đi chiến lược, tạo tiền đề để Masan xây dựng nền tảng bán lẻ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online trong hệ sinh thái “Point of Life” mà tập đoàn này đang gây dựng.

 

Bên cạnh đó, dịch vụ "đi chợ hộ" của VinMart đã phát huy hiệu quả cao trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Tp Hồ Chí Minh thời gian qua.

Tháng 6/2021, Masan khai trương mô hình thử nghiệm của cửa hàng đa tiện ích đầu tiên tại VinMart+ Udic (Hà Nội) hiện thực hóa hệ sinh thái “Point of Life”. Mô hình cửa hàng mới mẻ, độc đáo này đã phát huy hiệu quả sau 4 tháng hoạt động và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.

Với mô hình mới, VinMart+ không chỉ hướng đến đối tượng khách hàng gia đình quen thuộc. Với việc tích hợp thương hiệu Trà - cà phê Phúc Long vào VinMart+, Tập đoàn này nhanh chóng mở rộng tệp khách hàng vốn có, chinh phục thế hệ người tiêu dùng trẻ hơn, sẵn sàng chi trả và hấp thụ trào lưu, lối sống mới.

Bước đi này lại chứng minh hiệu quả khi kiosk Phúc Long biến VinMart+ thành điểm đến yêu thích của giới trẻ, đóng góp cho mỗi cửa hàng trung bình 5 triệu đồng doanh thu mỗi ngày.

Không chỉ được thưởng thức trà và cà phê Phúc Long hay sử dụng dịch vụ ngân hàng của Techcombank, khách hàng còn nhận thấy sự hiện diện của Phano Pharmacy - đối tác chiến lược mới giúp Masan bổ sung thêm mảng “chăm sóc sức khỏe” trong bức tranh “Point of Life” xoay quanh hai trụ cột bán lẻ và tài chính.

Phát biểu tại lễ khai trương cửa hàng “Fresh & Chill” - mô hình thí điểm mới cũng thuộc hệ sinh thái “Point of Life”, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan cho biết: “Chúng tôi mang đến cho khách hàng sự thuận tiện, mô hình một điểm đến, đa tiện ích, mang đến cuộc sống tiện nghi".

Chiến lược này từng được Chủ tịch Tập đoàn Masan chia sẻ tại Đại hội cổ đông 2021: “Cửa hàng hiện đại là nơi kết nối toàn bộ nhu cầu của người tiêu dùng, trên một nền tảng bao trùm xuyên suốt từ online đến offline. Đây là điểm đến “tất cả trong một” phục vụ các nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng”.

Ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group chia sẻ thêm, một trong những mục tiêu mà chuỗi VinMart và VinMart+ phải đạt được trong năm 2022 là thử nghiệm nhượng quyền và triển khai các dịch vụ tài chính.

Công ty sẽ tự phát triển và vận hành 10.000 cửa hàng; 20.000 cửa hàng sẽ được mở bằng cách hợp tác nhượng quyền với những tiệm tạp hóa gia đình. Mục tiêu đến năm 2025 có 30.000 cửa hàng, phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng.

Ngoài ra, Masan có kế hoạch phát triển các cửa hàng Vinmart+ thành điểm đến "tất cả trong một" (one-stop shop) phục vụ các nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng.

Chiến lược này giúp công ty không còn thu hút khách hàng chỉ bằng khuyến mãi và giảm giá. Ít nhất 50% cửa hàng trở thành điểm kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm dịch vụ ngân hàng truyền thống và thanh toán kỹ thuật số./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục