Hấp thụ vốn chậm vì "nghẽn" thủ tục hành chính

16:30' - 18/06/2022
BNEWS Hấp thụ vốn chậm vì "nghẽn" khâu thủ tục hành chính là thông tin được nhận định tại Chương trình Cà phê doanh nhân lần thứ 63.

Hấp thụ vốn chậm vì "nghẽn" khâu thủ tục hành chính là thông tin được nhận định tại Chương trình Cà phê doanh nhân lần thứ 63 với chủ đề "Giải pháp vốn cho doanh nghiệp giai đoạn phục hồi kinh tế" do Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.Hồ Chí Minh (HUBA) tổ chức ngày 18/6.

* "Nghẽn" trong hấp thụ vốn

Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, lạm phát đang là nỗi ám ảnh. Điều này đã tác động nhất định trong việc thắt chặt tín dụng, thậm chí có đề xuất tăng lãi suất, giảm đầu tư..., đi ngược với nội dung Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Lịch, nếu phân tích kỹ chỉ số CPI, hiện nay lạm phát ở Việt Nam chịu tác động chính bởi giá nhiên liệu và phần nào giá thực phẩm tăng cao. Xét về lạm phát cơ bản thì chỉ tăng 1,1% trong 5 tháng đầu năm nay, có nghĩa nguy cơ lạm phát gia tăng từ vấn đề tiền tệ không phải là lớn. Do đó, việc điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới phải tuân thủ theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.

"Chính sách lớn nhất hiện nay không phải là giảm lãi suất hay đẩy mạnh đầu tư công mà phải "uốn nắn" dòng vốn trên thị trường đi đúng hướng gắn với nội dung phục hồi kinh tế. Kiên trì được điều này vừa phục hồi kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát. Nếu để kinh tế trì trệ, doanh nghiệp không làm ăn được thì cũng không chống được lạm phát. Khi đó nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng "bệnh nặng" vừa lạm phát, vừa trì trệ", chuyên gia này cảnh báo.

Song song đó, Tiến sỹ Trần Du Lịch cũng lưu ý chính quyền Tp.Hồ Chí Minh tập trung nguồn lực để tháo gỡ các điểm "nghẽn" liên quan đến thủ tục hành chính. Thực tế hiện nay có tiền không giải ngân được do vướng mắc thủ tục hành chính, chứ không phải thiếu vốn. Qua đó, ngân sách không giải ngân được, doanh nghiệp tư nhân có tiền cũng không biết đổ về đâu vì dự án còn ách tắc.

Hiện nay, vấn đề của Tp.Hồ Chí Minh không phải là chuyện thị trường mà là quản lý nhà nước. Chỉ khi tháo gỡ điểm "nghẽn" thủ tục thì nền kinh tế, doanh nghiệp mới hấp thụ được vốn. Khi đó tăng trưởng kinh tế thành phố mới có thể đạt mục tiêu đề ra.

Tại tọa đàm, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, chính quyền thành phố và các ngành, quận, huyện tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song vẫn còn nhiều vướng mắc; trong đó, nhiều dự án, công trình có thể gỡ được thủ tục để triển khai nhưng vẫn còn chậm.

Theo ông, năng lực hấp thụ vốn của thành phố đang rất chậm. Do đó, thời gian tới, thành phố sẽ tháo gỡ nhanh các vướng mắc để dòng vốn lưu thông được vào hoạt động sản xuất kinh doanh…

* Doanh nghiệp vẫn "khát vốn"

Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HUBA, nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi tích cực, nhu cầu vốn của doanh nghiệp rất lớn. Hiện nay, doanh nghiệp rất cần vốn để khôi phục lại các chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy, tuyển dụng lao động mới khi số cũ không quay lại làm việc, đào tạo và đào tạo lại lao động, sửa sang nhà xưởng, đổi mới máy móc thiết bị sản xuất… trong bối cảnh chi phí nguyên nhiên vật liệu, mặt bằng đều tăng.

Doanh nghiệp hoạt động phần lớn nhờ vốn huy động, đây là thách thức lớn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi chiếm tới 97%. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có chung đặc điểm rất phổ biến là tính minh bạch tài chính, khó khăn về tài sản đảm bảo để tiếp cận được vốn tín dụng.

Mặt khác, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng nhanh trong thời gian qua đã đẩy tín dụng lên cao so với cùng kỳ những năm trước, trong khi nhiều ngân hàng đã đụng trần tín dụng, chỉ còn biết chờ được cấp thêm hạn mức. Chính phủ đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2% áp dụng cho những khoản vay mới mà ngân hàng không còn "room" tín dụng thì làm sao giải ngân được, ông Hưng nêu vấn đề.

Một số doanh nghiệp đầu ngành như bất động sản, lương thực – thực phẩm cũng cho biết, nhu cầu vốn của doanh nghiệp đang rất lớn. Do vậy, doanh nghiệp mong muốn ngành ngân hàng sớm đẩy nhanh gói hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đang phải ứng phó với cơn "bão giá" khi đầu vào nguyên liệu tăng mạnh. Tất cả nguồn chi phí nguyên phụ liệu ngoại nhập tăng từ 20 - 30%; trong nước giá xăng dầu cao kỷ lục.

Với chi phí đầu vào tăng mạnh, nếu các doanh nghiệp áp vào giá thành sản phẩm chắc chắn sẽ đẩy giá bán sản phẩm lên cao. Tuy nhiên, đây là mặt hàng thiết yếu, nếu giá tăng sẽ ảnh hưởng sức mua và tác động tới lạm phát. Hiện ngành lương thực, thực phẩm được ưu đãi về lãi suất nhưng không bù đắp hết được và doanh nghiệp đang nỗ lực để duy trì mặt bằng giá bán.

Chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng, doanh nghiệp có thể tận dụng các nguồn vốn như nguồn tài trợ từ chương trình phục hồi giai đoạn 2022 - 2023. Các doanh nghiệp trong những lĩnh vực khó đáp ứng điều kiện tín dụng ngân hàng cần tính đến thuê tài chính, nguồn tài trợ chuỗi cung ứng…

Vốn ngân hàng không phải là kênh huy động duy nhất mà chỉ chiếm 47 - 50%, còn các nguồn khác như FDI, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu, đầu tư công... Tuy nhiên, để tiếp cận được thì các doanh nghiệp lưu ý sự công khai, minh bạch, chuyên nghiệp trong quản trị doanh nghiệp…, ông Lực phân tích./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục