Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

08:14' - 03/06/2022
BNEWS Theo kết quả nghiên cứu PCI, có tới 47% số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ gặp khó khăn trong tiếp cận vốn. Để giải quyết thiếu hụt vốn, 4% doanh nghiệp được hỏi đã buộc phải tìm đến tín dụng đen.

Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc rất sớm trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bằng nhiều biện pháp cụ thể như hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ…, song doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn.

Theo kết quả điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động doanh nghiệp với mức độ ảnh hưởng khác nhau.

 

Ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho biết, một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp hiện nay là thiếu hụt dòng vốn, song khả năng tiếp cận vốn lại có hạn. Kết quả nghiên cứu PCI cho thấy, có tới 47% số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ gặp khó khăn trong tiếp cận vốn. Để giải quyết thiếu hụt vốn, 4% doanh nghiệp được hỏi đã buộc phải tìm đến tín dụng đen.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan cũng cho biết, hiện tỉnh này có hơn 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập; trong đó có hơn 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Nhưng một tỷ lệ lớn doanh nghiệp hiện nay chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn, còn tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn còn hạn chế.

Ông Nguyễn Ngọc An, Giám đốc Công ty Vận tải tại Hà Nội chia sẻ, hiện nay công ty đang vay vốn ngân hàng với lãi suất khoảng 10%/năm, theo hình thức thế chấp tài sản với lãi suất thị trường, chưa dễ tiếp cận được các gói vay ưu đãi, do đó mong muốn được tiếp cận các gói vay vốn với lãi suất thấp hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Thẳng thắn hơn, một giám đốc công ty chuyên về may mặc tại Hà Nội cho biết, để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi hay lãi suất thấp hiện vẫn dựa vào những thương lượng giữa doanh nghiệp với ngân hàng. Công ty này hiện đang hoạt động, phục hồi trở lại trong giai đoạn hậu COVID-19, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn khá khó khăn bởi cần phải đáp ứng nhiều điều kiện của ngân hàng đưa ra.

Theo các chuyên gia kinh tế, có một số nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn. Đó là việc xem xét cấp tín dụng của các chi nhánh ngân hàng còn phụ thuộc nhiều vào trụ sở chính về mức cho vay và các điều kiện tín dụng khác, hay quy định về các điều kiện cấp tín dụng…

Chuyên gia ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, doanh nghiệp thường gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, do không có tài sản bảo đảm, trong khi đó, nhiều ngân hàng lại chỉ chú trọng đến tài sản bảo đảm khi cho vay khách hàng đã làm cản trở khả năng tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng cần chuyển hướng sang cho vay tín chấp nhiều hơn, khi mà các khách hàng đáp ứng được những điều kiện, đặc biệt sau giai đoạn hậu COVID-19.

Ở một khía cạnh khác, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 gặp khó khăn thực sự chắc chắn sẽ được ngân hàng hỗ trợ, tạo điều kiện, vì doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng khó tồn tại. Do đó, hầu như các ngân hàng khó có thể từ chối hỗ trợ khách hàng nếu gặp khó khăn thực sự bởi dịch bệnh.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, năm 2022, tăng trưởng tín dụng dự kiến khoảng 14%. Tín dụng đã tăng tốc đáng kể trong tháng 3 và tháng 4 và đến ngày 25/4 đạt 6,75% so với cuối năm 2021, cho thấy nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế trong bối cảnh phục hồi mạnh mẽ.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có rất nhiều giải pháp cụ thể để đưa nguồn vốn tín dụng đến với doanh nghiệp góp phần phục hồi kinh tế.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, với phương châm chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng, các giải pháp được triển khai trong thời gian qua, đặc biệt là giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ giúp giảm áp lực cho doanh nghiệp trong trả nợ vay ngân hàng và tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục vay mới khôi phục, ổn định sản xuất, kinh doanh.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, ngoài các giải pháp về lãi suất, tín dụng, ngành ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục... đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng và kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát cơ chế, thủ tục cho vay phù hợp hơn với thực tiễn thị trường và tình hình mới, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống để hỗ trợ các doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng thuận lợi.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng nhấn mạnh, mục tiêu xuyên suốt và nhất quán của chính sách tiền tệ là phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Bởi vậy, việc quy định các điều kiện cấp tín dụng là cần thiết để đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu phát sinh và cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng việc nới lỏng các điều kiện này.

Do vậy, để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngoài những giải pháp từ ngành ngân hàng, Thống đốc cũng đề nghị cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ. Khi hoạt động sản xuất kinh doanh được khơi thông, phương án kinh doanh khả thi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Đặc biệt, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, với mức hỗ trợ lãi suất 2% một năm dành cho một số doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh đến hết năm 2023.

Chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với chi phí lãi suất rẻ hơn, từ đó giúp giảm bớt chi phí kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế.

Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Phạm Toàn Vượng cho biết, ngay khi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước được ban hành, Agribank cũng đã kịp thời ban hành Quy định số 968 ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và văn bản số 4327/NHNo-TCKT ngày 25/5/2022 hướng dẫn hạch toán kế toán.

Theo đó, Agribank triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế áp dụng đối với các Thoả thuận cho vay và giải ngân từ ngày 01/01/2022 đến 31/12/2023 hoặc khi hết nguồn kinh phí (hạn mức hỗ trợ lãi suất) được Ngân hàng Nhà nước thông báo.

Ngay từ đầu tháng 4/2022, Tổng Giám đốc Agribank đã thành lập Tổ xây dựng Quy định hỗ trợ lãi suất, đồng thời tổ chức các hội nghị thảo luận, phổ biến dự thảo quy định hỗ trợ lãi suất với sự tham gia của toàn bộ gần 1.000 chi nhánh trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó quán triệt và nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất đến toàn bộ các đơn vị trong hệ thống.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất phải có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đã được đăng ký kinh doanh quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bao gồm: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm...

Theo đánh giá của các chuyên gia, gói hỗ trợ lãi suất được kỳ vọng có thể sẽ tác động tích cực lên nền kinh tế nhờ sự khơi thông dòng vốn tín dụng. Đặc biệt, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, gói hỗ trợ lãi suất trên sẽ có tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng./.

>>>Vốn cho doanh nghiệp phục hồi - Bài 1: "Bơm" vốn rẻ kịp thời đến với doanh nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục