Hậu Giang theo dõi sát việc tiêu thụ lúa gạo

18:24' - 06/03/2019
BNEWS Tính đến ngày 6/3, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có 3 công ty đăng ký thu mua 115.000 tấn lúa trong tổng số gần 500.000 tấn vụ lúa Đông Xuân 2018 – 2019.
Tính đến ngày 6/3, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có 3 công ty đăng ký thu mua 115.000 tấn lúa trong tổng số gần 500.000 tấn vụ lúa Đông Xuân 2018 – 2019. Ảnh minh họa: Thanh Sang- TTXVN

Ngày 6/3, tại cuộc họp với một số doanh nghiệp thu mua lúa gạo trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang, cho biết ngành công thương đang theo dõi sát sao việc tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh, không để tình trạng ùn ứ lúa gạo làm ảnh hưởng cuộc sống nông dân.

Đồng thời, Sở sẽ có báo cáo UBND tỉnh trong việc tiếp cận nguồn vốn vay của các doanh nghiệp thu mua lúa gạo đang gặp khó khăn để có chỉ đạo tháo gỡ.

Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, tính đến ngày 6/3, trên địa bàn tỉnh đã có 3 công ty đăng ký thu mua 115.000 tấn lúa trong tổng số gần 500.000 tấn vụ lúa Đông Xuân 2018 – 2019. Đến nay, tiến độ thu mua lúa của nông dân đang được các công ty thu mua theo kế hoạch. Gần đây, một vài công ty còn có kế hoạch tăng số lượng lúa thu mua so dự kiến ban đầu.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu lương thực thực phẩm Miền Tây cho biết, công ty đã triển khai thu mua mỗi ngày 500 tấn lúa tại huyện Long Mỹ. Đến nay, công ty đã thu mua hơn 14.000 tấn với giá thu mua cao hơn giá thị trường khoảng 100 đồng/kg đến 150 đồng/kg.

“Tuy nhiên, công ty đang gặp khó khăn về nguồn vốn, do việc tiếp cận vốn vay vẫn phải thế chấp tài sản, mà chưa có sự hỗ trợ hay hình thức cho vay nào khác. Cùng với đó, công ty chỉ được vay 70% giá trị tài sản thế chấp, nên nguồn vốn thu mua lúa cho nông dân càng eo hẹp. Công ty đã kiến nghị ngân hàng cùng tham gia với doanh nghiệp trong thu mua lúa. Theo đó, sau khi lúa được bán xong tiền sẽ chuyển vào ngân hàng, ngân hàng trừ khoản vay, còn lại là của doanh nghiệp, nhưng chưa thực hiện được” – ông Nguyễn Minh Tuấn nói.

Cùng chung khó khăn, bà Ngô Thị Tuyết Linh, Phó Phòng Đầu tư kỹ thuật và Hợp tác sản xuất – Công ty Lương thực Sông Hậu, cho biết, đến nay, công ty chưa tiếp cận được nguồn vốn vay nào từ ngân hàng, tự thân vận động là chính.

Do chính sách cho vay vốn của các ngân hàng là phải có tài sản đảm bảo trong khi công ty thu mua lúa trữ lúa cả tháng, nên khó quay vòng vốn vay. Do vậy, tài sản thế chấp sẽ không đáp ứng được nếu muốn vay thêm.

Vụ lúa Đông Xuân 2018 – 2019, toàn tỉnh Hậu Giang xuống giống hơn 78.000ha, đến nay đã thu hoạch khoảng 7.000ha, năng suất bình quân đạt 7,4 tấn/ha.

Tại Hậu Giang, dù tiến độ tiêu thụ lúa không sôi động như vụ lúa Đông Xuân 2017 – 2018 nhưng chưa xảy ra tình trạng ùn ứ, hay lúa không bán được số lượng lớn. Thời gian qua, hầu hết diện tích lúa Đông Xuân 2018 – 2019 trên địa bàn thu hoạch xong đều được thu mua hết./.

>>> VietinBank cam kết đáp ứng đủ vốn cho doanh nghiệp tạm trữ thóc gạo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục