VietinBank cam kết đáp ứng đủ vốn cho doanh nghiệp tạm trữ thóc gạo

10:37' - 06/03/2019
BNEWS VietinBank đã thông qua Chương trình cho vay ưu đãi cho các doanh nghiệp thu mua tạm trữ thóc gạo Đông Xuân khu vực đồng bằng sông Cửu Long với mức lãi suất 6%.
 Nông dân Kiên Giang thu hoạch lúa. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Sáng 6/3, đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, VietinBank đã thông qua Chương trình cho vay ưu đãi cho các doanh nghiệp thu mua tạm trữ thóc gạo Đông Xuân khu vực đồng bằng sông Cửu Long với mức lãi suất 6%.

Theo đó, mức lãi suất này thấp hơn lãi suất huy động vốn của nhiều ngân hàng, các doanh nghiệp thu mua thóc gạo sẽ được cung ứng vốn kịp thời, được xem xét tăng hạn mức vay vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Tính đến cuối tháng 12/2018, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của VietinBank đạt gần 40.000 tỷ đồng, chiếm hơn 30% dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của toàn hệ thống; riêng dự nợ cho vay thóc gạo đạt gần 12.000 tỷ, tăng 35% so với năm 2017.

Bên cạnh đó, VietinBank luôn đảm bảo khả năng phục vụ khách hàng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thông qua việc triển khai gói giải pháp tổng thể nhằm hỗ trợ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trên địa bàn.

Theo đại diện VietinBank, ngân hàng cam kết sẵn sàng đáp ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ thóc gạo với lãi suất ưu đãi và thời hạn cho vay phù hợp, góp phần quan trọng vào ổn định vĩ mô, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Vụ Đông Xuân năm 2018 - 2019 ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ thu hoạch, nhưng từ sau Tết Nguyên đán, giá thóc gạo giảm mạnh do doanh nghiệp thiếu tiền mua thóc gạo dự trữ. Trong khi đó, nông dân buộc phải bán lúa vì không có chỗ trữ và trả nợ vật tư cuối vụ dù biết bị thương lái ép giá.

Điều này gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân cũng như việc cung ứng lúa gạo cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Trước tình hình này, một số doanh nghiệp đã kiến nghị ngành ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn mua thóc gạo trong dân để tạm trữ, chờ xuất khẩu.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, hiện lãi suất cho vay tối thiểu của các ngân hàng thương mại là 6,5%. Nhưng chương trình thu mua tạm trữ gạo là chương trình mục tiêu quốc gia, mang lại hiệu quả lớn trong việc hỗ trợ hàng chục triệu nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long tiêu thụ hết sản lượng lúa Đông Xuân 2018-2019.

Các ngân hàng thương mại đã thống nhất lãi suất cho các doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn, thực hiện thu mua lúa gạo tạm trữ là 6%/năm, tổng số vốn thực hiện chương trình này là 100.000 tỷ đồng. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm 50% tổng số vốn này./.

>>> Đẩy mạnh cho vay thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục