Hậu Giang thực hiện các đề án góp phần phục hồi kinh tế

17:18' - 09/09/2021
BNEWS Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh có quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao.
Hậu Giang họp trực tuyến với các địa phương về thực hiện đề án trong lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên và môi trường. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Ngày 9/9, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về thực hiện đề án trong lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, đây là một trong những đề án góp phần phục hồi nền kinh tế của tỉnh sau dịch bệnh trong thời gian tới. Các sở, ngành liên quan cần triển khai quyết liệt để các đề án phải đạt trên 70% khối lượng thực hiện.

Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 phấn đấu xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang có quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, thông qua các mô hình hợp tác xã nông nghiệp từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sơ chế và chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Cũng theo đề án này, tỉnh phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai. Từ đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Trong thời gian tới, Hậu Giang tiếp tục đổi mới về tư duy, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp dựa trên cơ sở tiếp cận thị trường, sản xuất hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị, chú trọng chất lượng, mẫu mã, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm; trong đó, lấy hợp tác xã và doanh nghiệp làm trung tâm của sự phát triển, tập trung phát triển kinh tế hợp tác, chủ động, tích cực thích ứng và tận dụng tối đa cơ hội từ biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên thiên nhiên.

Hậu Giang huy động nguồn lực tổng thể từ ngân sách nhà nước, đồng thời thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn để phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản.

Bà Lê Thị Kim Diệu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang cho biết, nhằm thực hiện Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt rõ mục tiêu, nhiệm vụ của đề án trong toàn hệ thống chính trị, tổ chức, cá nhân để từng ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện đúng, đạt mục tiêu đề án.

Cùng đó là thí điểm các mô hình về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị và nông thôn làm cơ sở để đề xuất nhân rộng mô hình có hiệu quả. Nhất là hoàn thành lập phương án đóng cửa, cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường bãi rác Tân Tiến và bãi rác Long Mỹ để trình Trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện.

Các địa phương thực hiện rà soát, thống kê số hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, để hướng dẫn những hộ chăn và nuôi trồng thủy sản phù hợp quy hoạch thực hiện cải tạo, nâng cấp chuồng trại, ao nuôi, biện pháp xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Tháng 8 năm 2021, tình hình kinh tế Hậu Giang bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, giá trị sản xuất công nghiệp của Hậu Giang đạt hơn 1.800 tỷ đồng, giảm 6,85% so với tháng trước và giảm 23,37% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục có xu hướng giảm so với tháng trước do dịch bệnh COVID-19 trên cả nước nói chung, các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ nói riêng đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt gần 2.800 tỷ đồng, giảm 5,42% so với tháng trước và giảm 18,26% so với cùng kỳ năm trước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục