Hậu Giang ưu đãi thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

15:30' - 19/12/2019
BNEWS Ngày 19/12, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất theo hướng công nghệ cao.
Hậu Giang đang có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh minh họa: TTXVN

Hội thảo đề cập những thời cơ và thách thức về nông nghiệp công nghệ cao đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang; việc ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc và giới thiệu mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất theo hướng công nghệ cao tại Hậu Giang.

Thạc sĩ Nguyễn Việt Triều, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang cho biết, tỉnh đang có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Đó là miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước; hỗ trợ tập trung đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, tỉnh đã có nhiều chính sách đặc thù trong đầu tư nông nghiệp, nông thôn như hỗ trợ 100% chi phí lập dự án đầu tư; hỗ trợ cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư như hội thảo, hội nghị. Những dự án đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang sẽ thuộc diện đặc biệt ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất của tỉnh.

Nhằm thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp thông minh trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần ứng dụng thiết bị và khoa học công nghệ, từ đó nâng cao năng suất, sản lượng, tạo ra sự đồng đều về chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Cùng với đó là đầu tư cơ sở hạ tầng, thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại, hợp tác xã tiếp cận công nghệ, ứng dụng tự động hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo Tiến sĩ Võ Thị Bích Thủy, Trường Đại học Cần Thơ, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp là tạo ra giống mới, tạo ra các chế phẩm sinh học phòng trừ dịch hại hay tạo ra các chế phẩm phân hữu cơ sinh học, các sản phẩm từ cấy mô và tế bào thực vật; canh tác bằng cơ giới hóa, tự động hóa và tin học hóa nhằm giảm công lao động, sản phẩm có tính đồng đều và đạt chất lượng sản phẩm theo yêu cầu.

Để việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả đòi hỏi thực hiện trên một diện tích chuyên canh lớn, khai thác các lợi thế tự nhiên và lao động, tạo ra một khối lượng hàng hóa chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, cần lựa chọn các bước đi phù hợp về đối tượng cây trồng, công nghệ áp dụng, quy mô và khả năng đầu tư, đầu ra của sản phẩm và cuối cùng là phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng của vùng đầu tư, khai thác.

Trong chiến lược xây dựng và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, tỉnh Hậu Giang sẽ phát triển đồng bộ sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với thực hiện xã hội hóa trong đầu tư, thu hút nguồn lực, phát triển doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển đồng bộ 4 yếu tố là quy hoạch sản phẩm, lựa chọn công nghệ, thu hút nguồn nhân lực và thị trường tiêu thụ.

Hậu Giang là tỉnh có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp và đã xây dựng được các vùng nông sản sạch, chuyên canh như vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, vùng nguyên liệu mía, vùng nguyên liệu khóm, vùng cây ăn trái đặc sản có múi, vùng nuôi trồng thủy sản.

Tỉnh đề ra mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đang được tỉnh Hậu Giang kêu gọi đầu tư là trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, vi sinh, công nghệ mới. Bên cạnh đó, còn có khu mời gọi đầu tư và khu kho bãi chế biến; khu thực nghiệm, trình diễn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có nhiều dự án kêu gọi đầu tư về cơ sở hạ tầng; đầu tư sản xuất và trình diễn các mô hình, dự án…

Tỉnh Hậu Giang đang nỗ lực chuyển từ nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh. Tỉnh hướng đến sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho sức khỏe bằng cách đưa công nghệ, tự động hóa vào sản xuất là một giải pháp hữu hiệu, từng bước đưa nền nông nghiệp của Hậu Giang phát triển bền vững./.

Xem thêm:

>>Vĩnh Phúc hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao

>>Bắc Ninh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục