Hệ thống tài chính hỗ trợ phát triển cần cải cách khẩn cấp

08:40' - 25/04/2022
BNEWS Nhiều tổ chức lớn trong cả khu vực công và tư trên toàn thế giới vừa ra thông báo cho biết hệ thống tài chính phát triển toàn cầu cần cải cách khẩn cấp và nhiều vốn tư nhân hơn nữa.

Nhiều tổ chức lớn trong cả khu vực công và tư trên toàn thế giới vừa ra thông báo cho biết hệ thống tài chính phát triển toàn cầu cần cải cách khẩn cấp và nhiều vốn tư nhân hơn nữa, để giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng “chồng chất” đang đẩy 250 triệu người vào đói nghèo cùng cực.

 

Thông báo chung này được đưa ra sau khi 60 quan chức chính phủ cấp cao của các nước và các chuyên gia về tài chính phát triển đã nhóm họp tại Washington, Mỹ trong cuộc đối thoại kéo dài ba tiếng, bên lề hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Với sự tham gia ký kết của ông Woochong Um - Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, Tiến sỹ Rajiv Shah - Chủ tịch quỹ Rockefeller Foundation, và ông Andrew Steer - Chủ tịch quỹ Bezos Earth Fund, thông báo kêu gọi phải có những thay đổi lớn để giúp các nước đang phát triển giải quyết gánh nặng nợ khổng lồ, biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và nhiều cuộc khủng hoảng khác, khi các mô hình tiêu chuẩn không phát huy hiệu quả.

Thông báo cho biết: "Chúng tôi kêu gọi chính phủ các nước và khu vực tư nhân huy động tài chính phát triển ở phạm vi và quy mô cần thiết để ứng phó với các cuộc khủng hoảng kết hợp này. Đó là cách duy nhất để chúng ta có thể hướng thế giới đến việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu”.

Theo thông báo, tình hình chiến sự tại Ukraine (U-crai-na), đại dịch COVID-19, gánh nặng nợ chồng chất, các cuộc khủng hoảng về nhiên liệu và thực phẩm ngày càng trầm trọng, các hiện tượng thời tiết cực đoan đang đảo ngược hơn 80 năm phát triển thịnh vượng và hội nhập toàn cầu. Chiến sự tại Ukraine còn gây ra tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu khi đẩy giá lúa mỳ, ngô, đậu tương, phân bón và dầu hướng dương lên cao.

Báo cáo cho biết nhu cầu rất lớn, nhưng nguồn tài chính công đang ngày càng khan hiếm và mất cân bằng, trong khi nguồn tài chính ở khu vực tư nhân lại ngày càng có xu hướng né tránh rủi ro.

Để giải quyết tình hình này, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nên thực hiện các hỗ trợ đã cam kết cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Nam Phi, và thúc đẩy nước Chủ tịch G20 Indonesia (In-đô-nê-xi-a) đi đến một thỏa thuận về hợp tác chuyển đổi năng lượng. Các nền kinh tế lớn cũng nên sử dụng các biện pháp đảm bảo và các công cụ đổi mới khác, như Công cụ tài chính quốc tế (IFF) đang được đề xuất, và phân bổ lượng quyền rút vốn đặc biệt tại IMF (SDR) dự trữ của họ cho các nước đang phát triển.

Gia tăng nguồn vốn từ các ngân hàng phát triển đa phương và tạo ra các công cụ để thu hút thêm nguồn vốn tư nhân sẽ giúp các nước đang phát triển có thể chống biến đổi khí hậu, ứng phó với đại dịch và giải quyết các cuộc khủng hoảng kết hợp về thực phẩm, nhiên liệu và nợ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục