Hệ thống truyền tải điện 500kV: Những công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia

07:37' - 26/05/2018
BNEWS Bộ Công an sẽ công bố Quyết định số 1944/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa hệ thống truyền tải điện 500kV vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Đường dây 500kV Sơn La-Lai Châu. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Ngày 29/5 tới đây, tại Đà Nẵng, Tổng cục An ninh - Bộ Công an sẽ công bố Quyết định số 1944/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa hệ thống truyền tải điện 500kV vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. 

Sự kiện này đánh dấu một dấu mốc quan trọngtrong việc khẳng định sự quan tâm đặc biệt và đánh giá của Đảng, nhà nước đối với tầm quan trọng của hệ thống điện 500kV, hệ thống năng lượng huyết mạch để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

*Trục xương sống liên kết giữa các miền

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết, qua gần 10 năm kể từ ngày đầu thành lập(1/7/2008), EVNNPT đã truyền tải an toàn sản lượng điện 1.111,8 tỷ kWh với tốc độ tăng trưởng bình quân 10,95%/năm, qua đógóp phần cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm bảo cungứng đủ điện cho phát triển kinh tế- xã hộicủa đất nước.
Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng kể từ ngày đầu thành lập đến nay, EVNNPTđã thực hiện khối lượng đầu tư khổng lồ, trên 140 nghìn tỷ đồng để hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành 446 công trình lưới điện truyền tải.

Chỉnh trang sân phân phối Trạm biến áp 500kV Mỹ Tho. Ảnh: TTXVN

Trong đó có các công trình trọng điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng để đảm bảo truyền tải công suất các Trung tâm điện lực và các nhà máy điện quan trọng, các dự án nâng cao năng lực hệ thống điện truyền tải, các dự án đảm bảo cấp điện cho miền Nam, cho Thủ đô Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh cùng các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.
Tới thời điểm hiện tại, hệ thống điện 500kV đã được đầu tư vàphát triển mạnh mẽ,đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc truyền tải công suất của các Nhà máy điện và các Trung tâm điện lực lớn như Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Mông Dương, Vũng Áng, Vĩnh Tân, Phú Mỹ, Duyên Hải.

Đây là trục xương sống liên kết các hệ thống điện giữa các miền như các mạch vòng 500kV tại khu vực miền Bắc (Thường Tín - Phố Nối - Quảng Ninh - Hiệp Hòa - Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan), khu vực miền Nam (Nhà Bè - Phú Lâm - Cầu Bông - Tân Định - Sông Mây - Phú Mỹ); Đường dây500kV kết nối giữa khu vực Đông Nam bộ với Tây Nam Bộ (Phú Lâm – Ô Môn).
Đặc biệt, đối với trục xương sống truyền tải điện Bắc - Nam, cùng với các Đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 và mạch 2 đã đưa vào vận hành năm 1994 và năm 2004, Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông được hoàn thành đưa vào vận hành tháng 5/2014 đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường năng lực truyền tải điện Bắc – Nam. Từ đó góp phần cùng EVN đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới với bối cảnh các nguồn điện miền Nam bị chậm tiến độ.

Kéo dây đường dây 500kV Duyên Hải-Mỹ Tho. Ảnh: TTXVN

Để tiếp tục đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời vươn lênlà một trong những tổ chức truyền tải điện hàng đầu trong khu vực và đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, EVNNPTđã xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040.
Theo đó, phát triển Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đến năm 2020 trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu khu vực ASEAN, năm 2025 trở thành một trong các tổ chức truyền tải điện thuộc 10 nước hàng đầu châu Á và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện.
Cụ thể đếnnăm 2020, lưới điện truyền tải đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1; Khắc phục được tình trạng quá tải, nghẽn mạch. Xây dựng lưới điện truyền tải linh hoạt, hiện đại với đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, công nghệ GIS, cáp ngầm. Bên cạnhđó, EVNNPTđẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới trên lưới điện truyền tải như công nghệ vệ sinh cách điện hotline, công nghệ sửa chữa nóng, điều khiển xa, trạm biến áp không người trực, lưới điện thông minh, hệ thống thu thập dữ liệu công tơ, hệ thống định vị sự cố, thiết bị giám sát dầu online.....
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, EVNNPT sẽ đầu tư và đưa vào vận hành 172 dự án lưới điện truyền tải;trong đó có 38 dự án 500kV và 134dự án 220kV với tổng dung lượng máy biếnáp tăng thêm là 35.262 MVAvà số km đường dây tăng thêm là 6.976 km.
Trong số các dự án lưới điện truyền tải đưa vào vận hành từ nay đến năm 2020, có rất nhiều các công trình 500kV quan trọng để nâng cao năng lực lưới điện truyền tải và đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đó làcác công trình nâng cao năng lực hệ thống điện Bắc - Nam như các đường dây500kV mạch 3(từ Vũng Áng đi Pleiku 2);Các công trình lưới điện 500kV đồng bộ các Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Sông Hậu, Long Phú; Các công trình cấp điện cho các trung tâm phụ tải lớn thành phố Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế trọng điểm của đất nướcnhư các trạm 500kV: Phố Nối, Đông Anh, Tây Hà Nội, Việt Trì, Đức Hòa, Củ Chi, Chơn Thành, Long Thành; các đường dây 500kV Thường Tín - Tây Hà Nội, Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, Mỹ Tho - Đức Hòa, Chơn Thành - Đức Hòa....
Trong đó, với ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam trong bối cảnh các dự án nguồn điện tại miền Nam bị chậm tiến độ, Tổng công ty đang tập trung triển khai các dự án Đường dây 500kV mạch 3 (từ Vũng Áng đi Pleiku 2) với tổng chiều dài 742km đi qua địa bàn 8 tỉnh làHà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Laivà thành phố Đà Nẵng với tổng mức đầu tư 11.949 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi công trong tháng 6/2018 và sẽ hoàn thành đi vào vận hành trong năm 2019. Sau khi hoàn thành và đi vào vận hành, đường dây 500kV mạch 3 nàysẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường khả năng truyền tải điện từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam để đảm bảo cung cấp điện cho các tỉnh miền Nam cho giai đoạn đến năm 2020 và các năm tiếp theo.

*Hơn 20 năm phối hợp

Theo EVNNPT, trong những năm qua hệ thống truyền tải điện đã được đầu tư phát triển hết sức mạnh mẽ và hiện đã trải dài trên hầu hết các tỉnh, thành phố trên toàn quốc;trong đó rất nhiều nơiđi qua những địa hình phức tạp, rừng núi, xa khu dân cư, giao thông đi lại khó khăn, có những vùng giáp biên giới.

Một số địa phương tình hình diễn biến rất phức tạp, gần các khu vực dân tự khai thác vàng, nhôm, khoáng sản, thu gom phế liệu, tệ nạn ma tuy, trộm cắp thiết bị lưới điện… là những nơi có nguy cơ cao đe dọa vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện.
Trong khi đó, hiện tượng vi phạm hành lang an toàn đường dây vẫn xảy ra như: dân trồng cây cao gần hành lang có thể đổ vào đường dây khi có gió bão, nổ mìn khai thác đá, cát, đào hầm lò gần chân cột điện, xây nhà vi phạm khoảng cách, lấn chiếm hành lang, đốt rẫy, đốt rừng, thả diều… luôn là nguy cơ tiềm ẩn gây mất an ninh, an toàn vận hành hệ thống điện.
Để đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện, ngay từ năm 1994 khi đường dây 500kV Bắc - Nam chính thức được đưa vào vận hành, Thủ tướng chính phủ đã ban hành “Chỉ thị số 110/TTg năm 1994 về công tác bảo vệ  an toàn hệ thống tải điện 500kV Bắc - Nam” để chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp tại địa phương cùng tham gia bảo vệ an toàn Hệ thống truyền tải điện 500kV.
Nhằm thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như tăng cường bảo vệ đường dây 500kV Bắc –Nam, đảm bảo hệ thống vận hành an toàn, ổn định, liên tục, Tổng Cục I, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã ký Quy chế phối hợp số 1394-LB/NL-NV ngày 15/7/1994, sau đó là Quy chế phối hợp công tác bảo vệ số 3176/EVN/TCI ngày 26/9/1995và Quy chế phối hợp công tác bảo vệ an ninh, an toàn ngành Điện số 2502/QCPH-TCAN-EVN ngày 26/6/2015 giữa Tổng cục An ninh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Qua hơn 20 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác bảo vệ an ninh, an toàn ngành Điện, đặc biệt trong công tác phối hợp bảo vệ Hệ thống truyền tải điện Quốc gia, EVN, EVNNPT và Tổng cục An Ninh - Bộ Công An cùng lực lượng công an các cấp đã đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện lưới điện 500kV nói riêng và hệ thống truyền tải điện Quốc gia nói chung.
Theo đó, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện, trộm cắp phụ kiện trên hệ thống điện truyền tải đã giảm mạnhqua các năm. Cụ thể, nếutrong năm 2008 số vụ trộm cắp thiết bị, phá hoại trên lưới truyền tải điện quốc gia là 30 vụ;năm 2009 là 11 vụ;năm 2010 là 10 vụ và đếnnăm 2017 chỉ còn1 vụ.
Qua công tác phối hợp với lực lượng công an, một số đối tượng trộm cắp phụ kiện lưới điện đã bị bắt và đưa ra xét xử với các mức án khác nhau, qua đóđã có tác động tích cực trong việc tuyên truyền người dân không phá hoại và vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện, phòng, ngừa được các đối tượng xấu phá hoại, trộm cắp, vi phạm hành lang an toàn lưới điện.
Để ngày càng nâng cao đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, ổn định hệ thống điện 500kV, trục “xương sống” của Hệ thống điện Quốc gia, một bộ phận không thể thiếu trong kết cấu hạ tầng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia,thời gian qua Bộ Công An, Bộ Công Thương, EVNvà Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã báo cáovàđề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa Hệ thống truyền tải điện Quốc gia vào công trình quan trọng liên quan đến an ninh Quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục