Hiến kế cho mục tiêu tăng trưởng

20:08' - 02/07/2020
BNEWS Ngày 2/7, các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các địa phương đã thảo luận và đưa ra những đề xuất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

 

Với tinh thần “Không chỉ phòng thủ dịch bệnh mà phải tiến công để phát triển”, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm tổ chức tại Hà Nội, ngày 2/7, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương đã thảo luận và đưa ra những đề xuất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế phải có những hành động nhanh và mạnh mẽ hơn nữa.

Bộ trưởng đề nghị đối với sản xuất công nghiệp, Việt Nam cần chủ động thực hiện hoặc tham gia vào quá trình phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh kích cầu và củng cố nền tảng thị trường nội địa. Trong đó, tiếp tục triển khai mạnh mẽ chương trình kích cầu du lịch nội địa, khẩn trương đưa Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động.

Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Chính phủ cũng cần chỉ đạo tiếp tục triển khai các chính sách tiền tệ; trong đó tập trung tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới.

Đặc biệt, khuyến khích tổ chức tín dụng triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi để góp phần duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là chú trọng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 (Thông tư 01).

 

Theo đó, trong thời gian cơ cấu lại nợ, khách hàng không phải trả nợ gốc và lãi đến hạn, được miễn giảm lãi, phí, lãi suất.

Cùng với thực hiện Thông tư 01, NHNN đã tổ chức các đoàn đến các địa phương, vùng kinh tế trọng điểm để lắng nghe ý kiến cộng động doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Hiện nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại nợ cho gần 260 nghìn khách hàng với dư nợ xấp xỉ 180 nghìn tỷ đồng; cho vay mới khoảng 1,1 triệu tỷ đồng đối với gần 240 nghìn khách hàng với lãi suất thấp hơn 0,2 – 0,3%.

Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, từ nay đến cuối năm 2020, NHNN sẽ kiểm soát, giữ vững ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, NHNN cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế và sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết nếu có biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để miễn giảm lãi suất cho vay, đảm bảo an toàn, chất lượng tín dụng.

Đồng thời, sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng. Trong trường hợp cần thiết sẽ có giải pháp mạnh hơn như tăng cấp vốn cho những dự án bị tác động lan tỏa để hỗ trợ.

Đề cập đến dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm; trong đó, thu ngân sách đạt mức thấp nhất kể từ năm 2013 đến nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh đến cân đối ngân sách Nhà nước.

 

Cụ thể, các cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng.

Tập trung đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; đôn đốc xử lý thu hồi nợ đọng thuế.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 (bao gồm cả kế hoạch năm 2019 chuyển sang); tập trung rà soát, sắp xếp, lồng ghép các nhiệm vụ chi để cắt giảm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết.

Trong đó, cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của năm 2020.

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương cho phép Đà Nẵng xây dựng cảng Liên Chiểu, di dời ga đường sắt, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng…; đồng thời xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý đối với nhiều dự án trước đây của thành phố.

“Đây là những nguồn lực rất quan trọng để phát triển thành phố. Do vậy, những khó khăn, vướng mắc không được tháo gỡ, giải quyết sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội thành phố”, ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

Là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và hạn hán, nhưng tỉnh Ninh Thuận vẫn đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn 8,4%.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cho biết, để giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công các dự án trọng điểm như: truyền tải điện, hồ chứa nước, năng lượng mặt trời...

Tuy nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, tỉnh đề nghị Chính phủ cho phép triển khai nhanh dự án Trung tâm năng lượng tái tạo, kéo dài cơ chế phát triển điện gió.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2020, ngành xác định đây là thời gian đầy thách thức bởi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu; thiên tai, dịch bệnh vẫn đe dọa trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi.

Tuy nhiên, Bộ và các địa phương quyết tâm không thay đổi chỉ tiêu của ngành và xác định tập trung cho khu vực sản xuất, có giải pháp ứng phó kịp thời, khai thác tốt thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước.

Ngành cũng sẽ coi trọng việc ứng phó với thiên tai để hạn chế thấp nhất thiệt hại; tái cơ cấu nông nghiệp, thích ứng với những biến động.

Đề cập đến yếu tố thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có giải pháp kích cầu tiêu thụ hàng hóa nội địa; đồng thời khai thác thác thị trường thương mại điện tử, trực tuyến để triển khai các Hiệp định thương mại tự do; tăng cường đấu tranh chống gian lận xuất xứ khi thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia kết nối phòng, chống dịch và khôi phục phát triển kinh tế bao gồm cả nội nhu và xuất khẩu, nhưng phải đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Ban chỉ đạo cần có các cơ chế, giải pháp mang tính liên ngành, đặc biệt là sự chỉ đạo của Chính phủ.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm thực hiện trên tinh thần hành động hơn nữa, nâng cao trách nhiệm hơn nữa, chống trì trệ.

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải kịp thời giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

Chính phủ sẽ thành lập Đoàn kiểm tra một số địa phương, đơn vị xem xét tiến độ giải ngân và sẽ kiên quyết điều chuyển vốn ngay trong tháng 8/2020 nếu nơi nào triển khai chậm.

“Giải ngân vốn đầu tư công sẽ là căn cứ đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ năm 2020 của các cấp, ngành và địa phương”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương có mức tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm phải có chương trình riêng để khắc phục, nhất là chương trình hành động cần mạnh mẽ hơn nữa nhằm phòng, chống dịch COVID-19 và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Khó khăn gấp đôi, cần cố gắng gấp 3, cả nước chung sức đồng lòng xây dựng đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt hơn, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá, kiềm chế lạm phát, nhưng không thắt chặt tiền tệ, cố gắng giữ lạm phát dưới mức 4%.

Trong chỉ đạo điều hành không để đứt gẫy nền kinh tế, có cơ chế, giải pháp phù hợp để kích thích tăng trưởng.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ các khó khăn liên quan đến thuế, phí, lệ phí, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu đầu vào, miễn thuế đất nông nghiệp… 

“Chính sách tài khóa trong lúc khủng hoảng vô cùng quan trọng đối với bất cứ quốc gia nào”, Thủ tướng khẳng định.

Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tập trung xây dựng phương án bảo đảm cân đối nguồn để triển khai các gói hỗ trợ và báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

“Chính phủ đồng ý Bộ Tài chính đàm phán tiếp nhận các khoản hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới vào tài khoản ngân sách để lấy tiền kích hoạt nền kinh tế, nâng trần nợ công”, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng nhấn mạnh tới sự phát triển thị trường trong nước cũng như tận dụng thời cơ “xa lộ EVFTA, CPTPP” để thúc đẩy xuất, nhập khẩu.

Theo đó, phải tạo thuận lợi thông quan hàng hóa, không để quy trình thủ tục hành chính gây khó cho doanh nghiệp, đặc biệt các cấp, ngành, địa phương phấn đấu không giảm chỉ tiêu xuất, nhập khẩu để cán mốc trên 500 tỷ USD trong năm 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục