Hiệp định CPTPP: Doanh nghiệp Việt vẫn chưa tận dụng được cơ hội

08:21' - 24/04/2021
BNEWS Sau hơn 2 năm có hiệu lực, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đem lại những tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tác động này còn chưa nhiều, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần nỗ lực hơn nữa để tận dụng ưu đãi từ Hiệp định có quy mô thị trường lên đến 2.500 tỷ USD này.

* Kết quả đạt được thấp hơn so với kỳ vọng

CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Ngoài Việt Nam, đến nay, có 6 quốc gia phê chuẩn CPTPP là Australia, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Canada và Mexico.

Sau 2 năm chính thức có hiệu lực với Việt Nam, CPTPP được đánh giá đã tác động tích cực tới xuất khẩu hàng Việt. Theo đó, ngay trong năm đầu tiên CPTPP có hiệu lực, bên cạnh các thị trường truyền thống như Nhật Bản tăng trưởng tốt (tăng 9,9% so với năm trước) thì các thị trường mà Việt Nam chưa có các FTA song phương cũng đã cho giá trị xuất khẩu cao, như: Canada tăng khoảng 33%, Mexico tăng gần 24%...

Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, xuất khẩu sang các thị trường CPTPP vẫn ghi nhận sự gia tăng đáng kể. Cụ thể, năm 2020, xuất khẩu sang Canada đạt 4,3 tỷ USD, tăng 12%, sang Mexico đạt 3,1 tỷ USD, tăng 11%; Chile đạt 1 tỷ USD, tăng 8,3%...;

Trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sang Canada tăng 13,7%, Australia tăng 17%, Chile tăng 25,6%, Mexico tăng 12,7%, NewZealand tăng 35,1%...

Tuy nhiên, theo nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những gì đã đạt được còn thấp hơn so với kỳ vọng.

Tỷ lệ thị phần hàng hóa Việt Nam tại các nước CPTPP hiện còn ở mức thấp. Theo số liệu của Trade Map, nhập khẩu năm 2019 từ Việt Nam mới chiếm 3,1% trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản; chiếm 1,9% ở Australia; 1,6% ở New Zealand; 1,3% ở Mexico và mới chỉ chiếm 1,1% ở thị trường Canada.

Nguyên nhân theo VCCI, không chỉ do các biến cố khách quan như tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu hay đại dịch COVID-19, mà còn ở các vấn đề chủ quan trong đó có nguyên nhân từ chính các doanh nghiệp.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dù đã làm quen với việc thực hiện các cam kết cũng như tận dụng được các ưu đãi từ các FTA, song trên thực tế các doanh nghiệp cũng gặp phải một số khó khăn nhất định, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khó khăn lớn nhất là doanh nghiệp chưa hiểu hết được ý nghĩa của các cam kết trong từng ngành hàng, từng mặt hàng, nhất là những mặt hàng mà doanh nghiệp đang quan tâm và sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có những hạn chế về mặt tiếp cận thị trường, về công tác xúc tiến thương mại.

Khảo sát mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về CPTPP, VCCI cho biết, cứ 20 doanh nghiệp mới có một doanh nghiệp biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình.

Đáng nói nhất là trong khi các doanh nghiệp FDI và dân doanh có cảm nhận rõ về tác động của CPTPP (với 51-52% doanh nghiệp của các nhóm này cho rằng CPTPP có tác động tích cực) thì khối doanh nghiệp 100% vốn nhà nước phần lớn đứng ngoài những tác động này.

Trong khi các doanh nghiệp FDI và dân doanh đã khởi động để tận dụng các ưu đãi thuế quan đầu tiên của Canada và Mexico, thì các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước lại hầu như chưa hề tận dụng được cơ hội này.

Một khó khăn khác phải kể đến là quy tắc xuất xứ của CPTPP phức tạp hơn so với các FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Để được hưởng ưu đãi thuế quan theo CPTPP, thì hàng hóa phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ nội khối, trong khi những ngành hàng được kỳ vọng gia tăng xuất khẩu (như dệt may, giày dép…) lại sử dụng nhiều nguyên liệu ngoại khối.

* Chủ động tham gia mạnh mẽ hơn

Để tận dụng tốt hơn Hiệp định CPTPP trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, các cơ quan quản lý cần rà soát quy định pháp luật liên quan, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tăng cường về truyền thông, thông tin về thị trường, định hướng cho doanh nghiệp trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp chính là thiếu thông tin. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Trần Thanh Hải, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) thiết lập và cho vận hành Cổng thông tin điện tử về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có Hiệp Định CPTPP.

Cổng thông tin điện tử này cũng đã hoàn tất việc nạp dữ liệu cũng như cập nhật bổ sung các file dữ liệu để phục vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp có thể tra cứu.

Doanh nghiệp có thể tìm được thấy những cam kết về thuế, về quy tắc xuất xứ, về dịch vụ, đầu tư, cũng như các thông tin về tình hình thị trường, các quy định/thị trường xuất nhập khẩu, về trách nhiệm xã hội...

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tích cực phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đàm phán, mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật để giúp cho các sản phẩm nông sản, đặc biệt là trái cây, có thể thâm nhập được thị trường của các nước CPTPP.

Vì các hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại các ưu đãi về mặt thuế quan nhưng đối với những biện pháp kỹ thuật, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến thực phẩm, liên quan đến con người thì yêu cầu về mặt kỹ thuật vẫn là một hàng rào hết sức khắt khe.

Về xúc tiến thương mại, ông Trần Thanh Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới các hình thức về xúc tiến thương mại để giúp cho doanh nghiệp có thể đạt được hiệu quả xúc tiến cũng như mở rộng tầm với của doanh nghiệp để vươn đến các thị trường khác trong CPTPP trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu thoái thoái lui như hiện nay.

Về phía các doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu cơ hội ưu đãi trong Hiệp định, thay đổi tư duy kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, nghiên cứu kỹ thị trường, có kế hoạch triển khai cụ thể trong lĩnh vực/ngành hàng của mình, lấy sức ép của các tiêu chuẩn cao trong CPTPP để nâng cao năng lực cạnh tranh, hình thành các chuỗi giá trị, tạo nền tảng khai thác các FTA lâu dài, bền vững.

Để tận dụng hiệu quả cam kết thuế nhập khẩu ưu đãi từ CPTPP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cần đáp ứng các quy tắc xuất xứ. Do đó, với dệt may, giày dép, cần đẩy mạnh đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu.

Đây là bài toán dài hơi, nhưng phải có lộ trình cho việc này, nếu không sẽ khó tận dụng được dư địa tăng trưởng tại khu vực thị trường CPTPP.

Một số mặt hàng nông, thủy sản, dù đã có những cải thiện nhất định về chất lượng, nhưng chưa đồng đều, chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn mà các nước đối tác đặt ra thì cần tiếp tục cải thiện.

Ngoài ra, công tác đào tạo, nâng cao trình độ người lao động phải được chú trọng để khắc phục việc thiếu nhân công giỏi nhằm thu hút hiệu quả những dự án đầu tư sản xuất, xuất khẩu sử dụng công nghệ cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục