Hiệp định EVFTA: Hài hoà lợi ích giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước

18:50' - 08/06/2020
BNEWS Với 100% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức được Quốc hội thông qua sáng 8/6.

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh) xung quanh ý nghĩa của sự kiện quan trọng này.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về việc Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Hiện Việt Nam đã có 12 Hiệp định thương mại từ do (FTA) và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định EVFTA có ý nghĩa hết sức quan trọng ngay trong thời điểm này khi đại dịch COVID-19 còn diễn biết rất phức tạp.

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều lợi thế. Trong 5 năm qua, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) liên tục gia tăng và mỗi năm tăng khoảng 10%. Đến năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hai chiều giữa Việt Nam - EU đạt khoảng 57 tỷ USD, chiếm khoảng 11% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.

Việc Hiệp định EVFTA được Quốc hội thông qua lần này sẽ tạo điều kiện cho hàng hoá của Việt Nam vào thị trường EU thuận lợi hơn. Bởi, Hiệp định này giúp các dòng thuế tiến về 0% và ngay trong năm nay sẽ có 86% các dòng thuế sẽ về 0%. Còn 7 năm sau đó 99% dòng thuế sẽ về 0%.

Do đó, các mặt hàng như: dệt may, da giày, thuỷ sản, nông sản, linh kiện... sẽ có điều kiện thuận lợi vào được thị trường EU với giá cả cạnh tranh. Đây là điểm thuận lợi mà chúng ta đã có thể nhìn thấy.

Một điểm nữa, theo nguyên tắc của Hiệp định là phải đảm bảo để hai bên cùng thắng. Trong năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 15 tỷ USD từ EU và khi Hiệp định EVFTA thông qua, các dòng thuế nhập khẩu cũng sẽ giảm về 0%. Lúc đó, người Việt Nam sẽ mua được máy móc thiết bị, dược phẩm, ô tô... với giá cả thấp nhưng chất lượng rất cao.

Phóng viên: Để tận dụng được cơ hội từ Hiệp định EVFTA thì các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì, thưa ông?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Để Hiệp định này đi vào cuộc sống và để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được thời cơ này đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Thứ nhất, là về công tác tuyên truyền vì thực tế, việc tuyên truyền đã giúp cho Việt Nam thành công trong việc kiểm soát tốt dịch COVID-19 vừa qua.

Thứ hai, EU là khu vực nổi tiếng nhất về chất lượng, chuẩn mực. Do đó, hàng hoá vào thị trường EU đòi hỏi phải có chất lượng rất cao, hay còn gọi là tiêu chuẩn EU. Hiện thu nhập bình quân đầu người của EU khoảng 36.000 USD và là mức rất cao.

Như vậy, nếu hàng hoá Việt Nam vào được thị trường này phải đảm được các tiêu chuẩn rất khắt khe của EU như: chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, minh bạch thông tin... Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần phải hoạt động một cách chuyên nghiệp. Đồng thời, tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp... để có thể đưa hàng hoá chất lượng cao vào EU.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải rà soát lại các luật định để đảm bảo thể chế phù hợp với các quy định trong Hiệp định EVFTA. Bởi Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này không chỉ bàn về vấn dề thương mại mà còn nhiều lĩnh vực khác như: sở hữu trí tuệ, lao động, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ... tất cả các nội dung này đều được bàn thảo trong Hiệp định.

Do đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền và có những bước rà soát lại thể chế; đồng thời, có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bị tổn thương khi Hiệp định này thực thi. Bởi, tới đây hàng hoá của EU sẽ vào thị trường Việt Nam với giá cả rất cạnh tranh.

Phóng viên: Hiệp định EVFTA cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Lần này, Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Như vậy tạo ra một sự cân bằng cho các nhà đầu tư và những chính sách ưu đãi phải hết sức thận trọng, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước. Nhưng cũng cần phải đưa ra các thể chế để vừa khuyến khích đầu tư trong nước nhưng cũng phải thu hút được đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng phải xây dựng các quy định như: thân thiện với môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng... đây là các tiêu chí rất cao cần phải đưa ra. Bởi trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam là một điểm sáng trong việc kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19; thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng được đánh giá cao...

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang là một điểm đến cho quá trình tái cơ cấu các chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc này thế giới đang tính toán và một trong những tính toán đó là giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường.

Như vậy, chúng ta cũng không nên vội vàng mở cửa để thu hút các nhà đầu tư ồ ạt, mà cần phải có sự chọn lọc. Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Chính phủ cũng có Nghị quyết số 58/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW để chọn lọc các nhà đầu tư.

Tôi cho rằng, chúng ta cần xây dựng các tiêu chí để chọn lọc các nhà đầu tư nước ngoài. Các tiêu chí đó phải thể hiện được các khía cạnh như: đảm bảo chất lượng, đảm bảo công nghệ; đảm bảo thân thiện môi trường, an ninh quốc phòng, kết nối được các doang nghiệp nước. Do đó, việc tận dụng thời cơ này để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài là rất tốt nhưng phải đảm bảo đem lại lợi ích quốc gia.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục