Hiệp định EVFTA: Tăng chất lượng và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt

14:34' - 24/07/2020
BNEWS Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) tạo cơ hội lớn để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, nông sản Việt Nam vào thị trường EU.

Tuy nhiên, muốn tận dụng hiệu quả các lợi thế về thuế quan, doanh nghiệp cần năng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Đây là nhận định của các đại biểu tại hội thảo “Làm thế nào tận dụng cơ hội của EVFTA và nâng cao năng lực doanh nghiệp nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 24/7.

Ông Lê Minh Duy, Chủ tịch Hiệp hội trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho biết, EU là một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và đang là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.

Năm 2019, EU chiếm 11,75% thị phần trong tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. EVFTA có hiệu lực sẽ mở cánh cửa lớn cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam; trong đó, nông, lâm, thủy sản có nhiều lợi thế khi được cắt giảm nhanh đối với hầu hết các dòng thuế. Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA không đồng nghĩa với việc mọi hàng hóa của Việt Nam đều có thể xuất khẩu vào EU và được hưởng ưu đãi về thuế.

Để tận dụng tốt nhất các cơ hội về thương mại và đầu tư, các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, hợp tác xã cần đáp ứng một loạt những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cũng như tiêu chuẩn bền vững về môi trường.

Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu.

Ông Trần Thế Như Hiệp, đại diện công ty TNHH Công nghệ NHONHO thông tin, hiện nay đa phần doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ và vừa, nguồn lực tài chính hạn hẹp, khả năng tiếp cận nguồn vốn, đầu tư công nghệ sản xuất hạn chế nên việc nâng cao giá trị sản phẩm chưa hiệu quả.

Bên cạnh đó, dù EU là thị trường xuất khẩu quen thuộc của nhiều mặt hàng Việt Nam nhưng mức độ khai thác thị trường này chưa đồng đều. Trong số 27 thành viên EU, chỉ riêng 5 quốc gia Đức, Pháp, Anh, Hà Lan, Italy đã chiếm khoảng 68% tổng giá trị thương mại với các nước EU, trong khi kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường còn lại rất thấp.

“Để nâng cao thị phần và giá trị xuất khẩu, ngoài việc củng cố quan hệ với các thị trường truyền thống, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động mở rộng xuất khẩu sang các thị trường còn lại của EU vì tiềm năng, dư địa tiêu thụ nông sản tại các nước này còn rất lớn”, ông Trần Thế Như Hiệp nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng phân tích, dù gặp thuận lợi về thuế quan nhưng để vào được EU, hàng hóa, đặc biệt là nông, lâm, thủy sản vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản mang tính kỹ thuật.

Những năm gần đây, các nước EU đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu, nhất là mặt hàng nông sản đến từ các nước châu Á. Vì vậy, trước khi tiếp cận thị trường, doanh nghiệp phải đáp ứng được bộ tiêu chuẩn cho sản phẩm Việt Nam nhằm hạn chế rủi ro do bị điều tra hoặc bị áp dụng những hình thức phòng vệ thương mại.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, kỹ thuật của thị trường EU, nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp cần xây dựng sản phẩm theo chuỗi, tăng cường mối liên kết giữa các khâu sản xuất - vận chuyển - chế biến- tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Đồng thời, đầu tư mới, nâng cao chất lượng máy móc, thiết bị để chuyển cơ cấu sản phẩm từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang sản phẩm chế biến, từ sản phẩm chế biến đơn giản sang chế biến sâu, từ sản phẩm có giá trị gia tăng thấp sang sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Liên quan đến xây dựng thương hiệu, Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn, chuyên gia về sở hữu trí tuệ đánh giá, vẫn còn nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu nông sản và rất ít thương hiệu nông sản Việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có 90% lượng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu phải mang thương hiệu nước ngoài.  Đến nay, mới có 74 chỉ dẫn địa lý cho nông sản và khoảng 1.300 nhãn hiệu tập thể được đăng ký bảo hộ pháp lý cho đặc sản, nông sản.

Chỉ một số ít thương hiệu được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột, thanh long Bình Thuận, nước mắm Phan Thiết…

“Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc xây dựng và củng cố thương hiệu là một giải pháp nâng cao khả năng nhận diện, năng lực cạnh tranh và tạo niềm tin cho khách hàng, người tiêu dùng. Kinh doanh quốc tế cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động trong việc sử dụng các công cụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về thương hiệu, sản phẩm để tránh những tranh chấp không đáng có”, Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn khuyến nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục