Hiệp định Paris sẽ cứu hàng triệu con cá

07:05' - 25/12/2016
BNEWS Cá đang là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm và trong ngành công nghiệp xuất khẩu thủy - hải sản toàn cầu trị giá 148 tỷ USD/năm.
Hiệp định Paris sẽ cứu hàng triệu con cá. Ảnh: Inhabitat

Một nghiên cứu vừa được đăng tải trên tạp chí "Science" của Mỹ số ra ngày 22/12 cho biết số lượng cá sẽ di cư hoặc chết sẽ tăng lên đáng kể khi nước biển trở nên quá nóng, tuy nhiên hàng triệu con cá sẽ được cứu sống nếu thế giới thực hiện các mục tiêu đề ra theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được thế giới thông qua năm 2015.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Viện Đại dương và ngư trường thuộc Đại học British Columbia đã làm phép so sánh giữa hai kịch bản Trái Đất ấm lên 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và mức tăng cao hơn, lên đến 3,5 độ C vào cuối thế kỷ.

Theo đó, nếu tình trạng ấm lên toàn cầu tiếp tục vượt tầm kiểm soát và kịch bản nhiệt độ tăng lên 3,5 độ C trở thành hiện thực, thì mỗi năm, ngành công nghiệp đánh bắt cá sẽ mất đi 6 triệu tấn cá. Những ngư trường ở gần xích đạo sẽ là nơi chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất nếu những mục tiêu của Hiệp định Paris không được thực hiện.

Những người sống dựa vào nguồn cá đánh bắt sẽ phải chịu thiệt thòi hơn so với những người cùng cảnh ngộ ở phía Bắc. Số lượng cá đánh bắt có thể giảm đến 47% tại khu vực Indo -Thái Bình Dương, bao gồm Vịnh Bengal, Vịnh Thái Lan, Biển Đông và biển Sulu-Celebes.

Nghiên cứu dựa trên phân tích dữ liệu từ 19 mô hình hệ thống Trái Đất, so sánh với kết quả đánh giá gần khả năng sinh tồn củ 900 loài cá biển theo kịch bản khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng để đẩy mạnh việc cắt giảm nhiên liệu hóa thạch.

Kết quả nghiên cứu cảnh báo khi nhiệt độ Trái Đất tăng lên 3,5 độ C, lượng cá đánh bắt sẽ giảm đến 8%, trong khi nếu Trái Đất tăng nhiệt chỉ ở 1,5 độ C thì lượng cá đánh bắt sẽ giảm 2,5%.

Các nhà khoa học cho rằng kết quả nghiên cứu này có thể là căn cứ quan trọng để thuyết phục các nước lớn có trách nhiệm trong các cam kết bảo vệ Trái Đất, làm chậm lại quá trình nóng lên.

Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu nhằm kiềm chế tình trạng nóng lên toàn cầu đã nhanh chóng có hiệu lực vào ngày 4/11, song chỉ vài ngày sau, niềm vui từ sự kiện này đã bị khỏa lấp khi ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ, làm dấy lên những lo ngại rằng ông có thể buộc quốc gia có lượng khí thải lớn thứ hai thế giới này rút ra khỏi thỏa thuận quan trọng nói trên.

Trong cuộc thảo luận của LHQ về khí hậu hồi tháng trước, các chính phủ đã đặt ra thời hạn 2 năm để đưa ra các quy định về việc thực hiện thỏa thuận Paris và xem xét các chương trình quốc gia nhằm giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu “phải ở dưới” 2 độ C./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục