Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đề xuất giải pháp cải thiện môi trường đầu tư

21:18' - 14/03/2024
BNEWS Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã đề xuất nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Tp. Hồ Chí Minh.
Chiều 14/3, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh và các Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn thành phố năm 2024. Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã đề xuất nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Tp. Hồ Chí Minh.

 

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh khẳng định, Chính quyền Tp. Hồ Chí Minh luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp; trong đó có các doanh nghiệp FDI. Năm 2023, Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục đứng đầu cả nước với tổng vốn đăng ký FDI gần 6 tỷ USD, tăng gần 50% so với năm 2022, chiếm 16% vốn FDI của cả nước. Đây là điểm sáng của môi trường đầu tư thành phố và khẳng định việc thực thi các cam kết của thành phố với nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Những đóng góp của doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng trong đầu tư toàn xã hội của thành phố. Thành phố nhận thức việc phát triển không chỉ dừng lại ở nguồn lực của chính mình mà còn phải dựa vào nguồn lực của tư nhân, của doanh nghiệp và của các doanh nghiệp FDI. Đây là nguồn lực quan trọng để thành phố phát triển, học tập kinh nghiệm quản lý, học tập và chia sẻ công nghệ, tạo điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế, Tp. Hồ Chí Minh đang đối mặt khó khăn, thách thức như vấn đề liên quan đến kết nối cơ sở hạ tầng, logistics, năng suất lao động, ngoài ra việc thu hút và chuyển giao công nghệ từ thu hút FDI cũng chưa đạt kỳ vọng. Vì vậy, lãnh đạo thành phố mong muốn lắng nghe và ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp, từ đó mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác giữa thành phố với cộng đồng doanh nghiệp, vì sự phát triển của thành phố và cũng vì sự phát triển của doanh nghiệp.

Phát biểu tại cuộc gặp, ông Ramachandran A.S, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đánh giá cao mối quan hệ đối tác mà Chính phủ Việt Nam và Mỹ đạt được, đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế hai nước.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu kinh tế nổi bật, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề có thể cải thiện tốt hơn nữa như củng cố hệ sinh thái sản xuất giá trị cao: Bao gồm các lĩnh vực như giáo dục đại học, đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số giữa các ngành, logistics, cơ sở hạ tầng, năng lượng và phát triển bền vững; đầu tư cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe và thể chất và cải thiện môi trường chính sách thuận lợi.

Ông Wesley Chua, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Singapore tại Việt Nam (SCCV) chia sẻ, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhà đầu tư toàn cầu chứ không chỉ của khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, so với Singapore, thủ tục hành chính của Việt Nam vẫn còn phức tạp và có thể là trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việc xin các giấy phép cần thiết thường liên quan đến việc phải làm việc với nhiều cơ quan chính phủ có sự khác nhau về cách giải thích, áp dụng luật và thủ tục.

Liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực, dù có dân số đông và trẻ nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao, đặc biệt trong các ngành đòi hỏi chuyên môn về kỹ thuật tiên tiến, ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả của các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong nước.

Ông Wesley Chua cũng đề cập tình trạng mạng lưới giao thông, cảng biển, nguồn điện của thành phố vẫn còn tụt hậu so với một số nước trong khu vực, làm tăng chi phí hậu cần và đặt ra thách thức cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những nhà đầu tư tham gia vào các ngành sản xuất và có định hướng xuất khẩu.

Bà Đỗ Thị Hồng Duyên, thành viên Ban lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam cho rằng, Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư thông qua cải cách chính sách cải cách giáo dục, cải thiện hạ tầng giao thông; đơn giản hóa chính sách visa làm việc và kinh doanh. Bên cạnh đó, để thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến chế tạo, Việt Nam cần thúc đẩy nội địa hóa của chuỗi cung ứng và nâng cao tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng và kho vận đáp ứng các tiêu chuẩn của khu vực và thế giới.

Ông Choi Bun Do, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn quốc tại Việt Nam (KOCHAM) chia sẻ, Hàn Quốc hiện nay đang là đối tác thương mại số một của Việt Nam và ngược lại Việt Nam cũng đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao việc đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp của lãnh đạo và các sở, ngành của Tp. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, yêu cầu cấp bách đối với các doanh nghiệp đầu tư vào thành phố là sớm có biện pháp hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp FDI vừa và nhỏ đầu tư trong sản xuất công nghiệp nguyên liệu - thiết bị hỗ trợ, hình thành chuỗi cung ứng nguyên vật liệu tại chỗ.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, việc đối thoại, lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp không chỉ giúp thành phố nắm bắt thông tin, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp mà còn là một hình thức kết nối hợp tác để tạo ra cơ hội kinh doanh mới. Ngay từ đầu năm 2024, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã tập trung điều hành nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 7,5 -8%. Theo đó, thành phố tập trung vào ba cực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Cụ thể, thành phố đã thành lập các tổ công tác phụ trách tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho từng nhóm đầu tư FDI, đầu tư tư nhân, bất động sản…. Tp. Hồ Chí Minh cũng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy hoạch chung thành phố tạo cơ sở để nhà đầu tư lựa chọn địa bàn, dự án đầu tư hiệu quả. Về xuất khẩu, thành phố tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường mới.

“Về chiến lược dài hơi, Tp. Hồ Chí Minh đang phát triển các động lực tăng trưởng mới như trung tâm tài chính, chuyển đổi kinh tế số, chuyển đổi xanh nhằm bắt kịp xu hướng phát triển chung của thế giới; đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông và môi trường sống hướng tới thu hút nguồn vốn chất lượng và bền vững”, ông Phan Văn Mãi thông tin thêm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục